Trả lời trên kênh thông tin tài chính Mỹ CNBC, ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của ngân hàng Morgan Stanley cho biết, các chỉ số kinh tế đều cho thấy lạm phát tại châu Á đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, lạm phát sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.
Tại châu Á, tỷ lệ lạm phát trung bình đạt ngưỡng cao nhất tại 5,5%, và hiện nay đã giảm 0,5%. Con số này nhỏ hơn mức đỉnh lạm phát của Mỹ (khoảng 9%) và châu Âu (khoảng 8,5 - 9%).
Nhà kinh tế Chetan Ahya nhận định, các nền kinh tế tại châu Á có rất ít dấu hiệu của tăng trưởng nóng, tốc độ tăng trưởng vẫn đang ở dưới mức trước đại dịch Covid-19 ở hầu hết các quốc gia.
“Phần lớn các nền kinh tế tại khu vực châu Á đang ở giữa chu kỳ phục hồi. Đó là lý do quan trọng nhất giải thích vì sao tỷ lệ lạm phát sẽ được kiểm soát và các ngân hàng trung ương không cần siết chặt các chính sách lãi suất”, nhà kinh tế Chetan Ahya cho hay.
Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Sethaput Suthiwartnaruepu cũng cho biết, ngân hàng trung ương nước này không cần “mạnh tay tăng lãi suất” bởi nền kinh tế được dự đoán sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm nay.
Nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng, nhu cầu hàng hóa chính là động lực thúc đẩy lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Á. “Tình hình đại dịch tại Mỹ đã khiến nhu cầu hàng hóa tăng chóng mặt, từ đó tạo nên sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Tuy nhiên, hiện nay mức tiêu dùng đã hạ nhiệt”, ông Chetan Ahya phân tích.
Khi chuỗi cung ứng đã phục hồi và lượng hàng hóa tăng lên, chuyên gia Morgan Stanley nhận định, nhu cầu hàng hóa sẽ giảm trong vài tháng tới. Ngoài ra, việc nền kinh tế tạo đủ việc làm cho thị trường lao động cũng giúp các nước châu Á kiềm đà tăng của lạm phát.