Với sự hỗ trợ tài chính và các gói kích thích tiền tệ chưa từng có để chống lại sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng và gánh nặng nợ quốc gia sẽ tạo ra lạm phát đáng kể trong vài năm tới, theo các nhà kinh tế tại Morgan Stanley.
“Các yếu tố này sẽ làm gia tăng lạm phát. Chúng tôi nhìn thấy nguy cơ lạm phát xuất hiện từ năm 2022 và cho rằng lạm phát sẽ vượt mức lạm phát mục tiêu của ngân hàng trung ương trong chu kỳ này. Điều này đặt ra một rủi ro mới cho chu kỳ kinh doanh và việc mở rộng trong tương lai cũng có thể ngắn hơn”, theo Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Morgan Stanley.
Fed đặt lạm phát mục tiêu ở mức 2% và đã sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để đạt được điều đó. Các ngân hàng trung ương khác cũng không có quá nhiều khác biệt so với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và họ thường coi mức lạm phát vừa phải là hữu ích để thúc đẩy mức sống và giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Chetan Ahya nhận định rằng, những phản ứng chính sách trên toàn thế giới sẽ có lợi cho việc thúc đẩy lạm phát nhưng lại tác động lớn nhất ở Mỹ khi so sánh với các hành động của các ngân hàng Trung ương châu Âu, Anh và Nhật Bản. Ông cho rằng, sự gia tăng thực tế có thể vượt quá mức lạm phát mục tiêu của ngân hàng trung ương và có một cú hích tiêu cực dài hạn đối với tăng trưởng kinh tế.
Hầu hết các nhà kinh tế dự báo mức lãi suất thấp trong tương lai gần. Các quy tắc giãn cách xã hội để chống lại Covid-19 và việc ngừng hoạt động kinh tế có thể sẽ khiến chi phí tổng thể thấp hơn, và sẽ được phản ánh trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố trong tuần này.
Nguyên nhân là do giá dầu giảm, CPI cho tháng 4 dự kiến sẽ chỉ tăng 0,3% so với năm trước, đây sẽ là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 9/2015. Loại bỏ giá lương thực và năng lượng, CPI cơ bản dự kiến tăng 1,7% trong năm 2020, theo các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones.
Nợ công làm tăng áp lực lên lạm phát
Một vấn đề tạo ra áp lực lên lạm phát chính là sự gia tăng nợ công.
Tại Mỹ, lần đầu tiên nợ công đã vượt qua 25 nghìn tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng khi Washington cam kết bơm nhiều tiền hơn cho các nỗ lực hỗ trợ kinh tế. Bộ tài chính Mỹ thông báo sẽ phát hành khoản nợ 3 nghìn tỷ USD trong quý này, trong đó 54 tỷ USD là khoản trái phiếu phát hành có thời gian đáo hạn 20 năm với mục tiêu hỗ trợ tài chính và kéo dài thời gian đáo hạn của các khoản nợ của Mỹ.
Bên cạnh đó, Fed và chính phủ có thể áp dụng các chính sách ủng hộ lạm phát nhiều hơn để làm cho khoản nợ rẻ hơn.
“Kế hoạch phát hành nợ dài hạn của Bộ tài chính là đủ hợp lý khi lãi suất dài ở mức cực thấp, nhưng sự thay đổi rõ rệt hơn trong chính sách phát hành nợ có thể báo hiệu rằng, các nhà hoạch định chính sách đang hy vọng sẽ tăng lạm phát để giúp giảm gánh nặng nợ công tăng cao tại Mỹ”, theo Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics.
Tuy nhiên, lạm phát tăng cao thường dẫn đến lãi suất cao hơn và chi phí tài chính đắt đỏ hơn. Do đó, Fed đã thực hiện mua lại các khoản nợ có thời gian dài như một cách để giữ cho lợi tức thấp hơn.
“Một sự gia tăng đáng kể về thời gian đáo hạn sẽ giúp giảm bớt gánh nặng thực sự của nợ công khi lạm phát tăng ngoài kỳ vọng. Sau đó sẽ thúc đẩy GDP danh nghĩa và hậu quả là các khoản thu thuế sẽ được sử dụng để trả các khoản nợ đó”, ông Ash Ashworth cho biết.
Bên cạnh đó, ông cũng nói thêm rằng, vẫn còn quá sớm để xem xét về nợ công, điều này được ủng hộ bởi những người tin rằng nợ chính phủ cao không quan trọng miễn là lạm phát được tiếp tục kiểm soát.
Mặt khác, cũng có quan điểm cho rằng, nền kinh tế hiện tại đang phải vật lộn với vấn đề sụt giảm trong nhu cầu dẫn đến áp lực giá thấp hơn nên không lo ngại quá nhiều về lạm phát.
“Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể gây ra sự đột biến về giá trong một số sản phẩm nhất định, nhưng khi đối mặt với thu nhập bị hạn chế, điều này sẽ chỉ dẫn đến nhu cầu sụt giảm”, theo Aneta Markowska, nhà kinh tế Jefferies.