Lạm phát lõi tại Mỹ tăng cao nhất trong gần 3 thập kỷ

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số lạm phát chính mà Cục dự trữ liên bang Mỹ sử dụng để thiết lập chính sách đã tăng 3,4% trong tháng 5 so với một năm trước, mức tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1990.
Nếu tính giá cả các mặt hàng biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE tại Mỹ trong tháng 5 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP

Nếu tính giá cả các mặt hàng biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE tại Mỹ trong tháng 5 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP

Đây là đánh giá mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ về tình hình lạm phát. Mặc dù mức tăng trên là lớn nhất kể từ tháng 4/1992, nhưng nó khớp với ước tính của Dow Jones và các thị trường ít phản ứng với thông tin này. Chứng khoán Mỹ hầu hết vẫn ghi nhận mức tăng vững chắc, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vừa phải.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tháng 5 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và dẫn đến áp lực giá cả, đồng thời cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng tốc ra sao kể từ sau lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 vào năm 2020.

Dù mối lo lạm phát gia tăng đã xuất hiện sau công bố thông tin lạm phát tháng 5, các quan chức Fed vẫn cho rằng tình hình lạm phát hiện chỉ là tạm thời và có khả năng sụt giảm khi các điều kiện trở lại bình thường.

Chỉ số PCE lõi tháng 5 tăng 0,5% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng ước tính 0,6%. Nếu tính giá cả các mặt hàng biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE tháng 5 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,4% so với tháng trước đó.

Như vậy, lạm phát gia tăng chủ yếu do mặt hàng năng lượng với giá cả tăng 27,4% trong khi giá cả thực phẩm chỉ tăng 0,4%. Đây cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8 /2008, ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra khiến lạm phát Mỹ ở mức thấp trong suốt thời kỳ phục hồi kinh tế dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Lạm phát Mỹ tăng đột biến gần đây do kết hợp từ nhiều yếu tố, bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng bởi các nhà sản xuất những mặt hàng chủ lực không đáp ứng kịp nhu cầu hàng hóa tăng cao khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Giá bất động sản tăng cao cũng là một yếu tố đẩy lạm phát Mỹ tăng cao, mà nguyên nhân chính là do chi phí gỗ xẻ tăng vọt mặc dù xu hướng này đã đảo ngược gần đây.

Ngoài ra, lạm phát cũng chịu ảnh hưởng bởi cái mà các nhà kinh tế học gọi là "các tác động cơ bản" hoặc so sánh khập khiễng với một năm trước khi các biện pháp chống dịch của chính phủ Mỹ khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái bất định. "Các tác động cơ bản" đó có thể sẽ tan biến khi số liệu lạm phát tháng 6 của Mỹ được công bố vào tháng tới.

Chi tiêu tiêu dùng tháng 5 của Mỹ đi ngang trong khi ước tính trước đó là tăng 0,4%, còn thu nhập cá nhân giảm 2%, thấp hơn dự báo giảm 2,7%. Những con số này đã chịu tác động bởi các tấm séc kích cầu mà chính phủ Mỹ cung cấp cho người dân. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của Mỹ trong tháng 5 là 12,4%, giảm so với mức 14,5% trong tháng 4.

Tin bài liên quan