Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm, kết thúc quý I/2011, nền kinh tế nói chung tiếp tục phát triển, GDP tăng 5,5% - xấp xỉ mức tăng của cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tăng 31%. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khá, đạt doanh thu 5.084 tỷ đồng, tăng 28%; nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài 100 tỷ đồng, tái bảo hiểm ra nước ngoài 1.186 tỷ đồng. Các nghiệp vụ như bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển và bảo hiểm sức khỏe con người tăng trưởng khá cao, lần lượt là 36%, 46,3% và 40,4%. Các nghiệp vụ mới nổi khác cũng tăng khá như bảo hiểm tín dụng tăng 662%, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh tăng 159%, bảo hiểm nông nghiệp tăng 108%.
Tuy nhiên, chủ trương thắt chặt tín dụng và đầu tư công của Chính phủ ít nhiều đã ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung. Giá cả hàng hóa tăng khiến cho chi phí phụ tùng thay mới, chi phí sửa chữa, khắc phục tổn thất gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí bồi thường của các công ty bảo hiểm
Vẫn theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm, trong quý I/2011, toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã phải chi bồi thường là 1.420 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 27,9%. Trong đó, bảo hiểm con người có tỷ lệ bồi thường 42%, bảo hiểm xe cơ giới 38%, còn các nghiệp vụ khác đều dưới 30%. Các doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao gồm: Phú Hưng 105%,
Thực tế, khi giá cả hàng hóa tăng cao, dẫn tới giá phụ tùng, chi phí sửa chữa, thay mới tài sản, chi phí khắc phục tổn thất gia tăng sẽ làm tăng chi phí bồi thường bảo hiểm. Thêm vào đó, dự phòng bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng theo. Bên cạnh tác động trực tiếp của lạm phát tới chi phí bồi thường thì khó khăn chung của nền kinh tế khiến không ít khách hàng của các công ty bảo hiểm gặp khó khăn như phá sản, dự án bị ngừng cấp tín dụng phải dừng lại, khách hàng đến kỳ tái tục nhưng không thể tiếp tục trả phí do khó khăn về tài chính…
Ngoài ra, cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm cũng khiến tình hình căng thẳng. Một số khai thác viên bảo hiểm cho biết, tình hình cạnh tranh năm nay khốc liệt hơn năm ngoái, các công ty đối thủ săn đón khách hàng và hạ phí tới mức thấp nhất, trong khi hoa hồng trả ở mức cao nhất, mở rộng hết các điều kiện, điều khoản để lôi kéo khách hàng… Hệ quả là, trừ các khách hàng vì quá cả nể mà tái tục hợp đồng, còn lại đều chuyển sang những công ty có mức phí hấp dẫn hơn.
Bức tranh khá lộn xộn của thị trường bảo hiểm khiến các doanh nghiệp đã lỗ nghiệp vụ nay lại càng khó có thể xoay chuyển tình hình. Vì theo nguyên lý chung, khi chi phí bồi thường gia tăng thì các doanh nghiệp muốn có lãi phải tăng phí, nhưng thực tế không có doanh nghiệp nào dám làm việc này do lo ngại mất khách hàng.
Mới đây, Hiệp hội Bảo hiểm đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp số liệu cần thiết để xây dựng phí sàn chung cho toàn thị trường để trình lên Cục Quản lý giám sát bảo hiểm công nhận sàn phí chung không vi phạm Luật Cạnh tranh. Đây là một động thái thể hiện nỗ lực chung nhằm giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ phí phi kỹ thuật.
Trong điều kiện khó khăn, nếu chấp nhận phương pháp cạnh tranh bằng hạ phí và mở rộng điều khoản bất hợp lý, hậu quả cho các doanh nghiệp là thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm, dẫn tới nguy cơ hạ thấp hoặc mất khả năng thanh toán. Vì vậy, thay vì biện pháp cạnh tranh bằng phí, nhiều doanh nghiệp đã tìm cho mình hướng vượt khó mang tính hệ thống và dài hạn. Ngoài phương thức cạnh tranh bằng đa dạng hóa sản phẩm, kênh phân phối và tăng cường chất lượng dịch vụ khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung tiết giảm tối đa chi phí, thắt chặt chi tiêu. Các giải pháp mang tính dài hạn như thu hút nhân tài, cải tiến quy trình, áp dụng công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động cũng được áp dụng phổ biến.
Tuy nhiên, nỗ lực của các công ty bảo hiểm sẽ khó cải thiện được tình hình nếu bản thân khách hàng không hợp tác. Các chuyên gia khuyến nghị, khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, thay vì nhìn vào phí, khách hàng nên xem xét khả năng, tiềm lực và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm. Thêm vào đó, khách hàng cũng cần có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng và sự cần thiết của bảo hiểm trong bối cảnh thị trường khó khăn, rủi ro trong kinh doanh gia tăng.