Lạm phát không thể không do tiền

0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát do nhiều yếu tố, nhưng không thể không do tiền, như có chuyên gia đã đề cập.
Lạm phát không thể không do tiền

Tiền tệ không những là một trong 4 yếu tố của lạm phát (cùng với các yếu tố cung - cầu, “chi phí đẩy”, tâm lý), mà hơn thế nữa, còn là yếu tố trực tiếp và là yếu tố cuối cùng để lạm phát biểu hiện ra. Tiền tệ là yếu tố trực tiếp bởi trong quan hệ tiền - hàng trên thị trường, khi có tiền nhiều hoặc ít hơn hàng, thì giá sẽ tăng hoặc giảm. Tiền tệ là yếu tố cuối cùng để lạm phát biểu hiện ra, bởi giá cả là biểu hiện bằng tiền, giá cả tăng cũng có nghĩa là tiền tăng.

Tiền tệ là yếu tố trực tiếp và là yếu tố cuối cùng để lạm phát biểu hiện ra không chỉ xuất phát từ lý thuyết đơn giản như trên, mà còn có 6 biểu hiện đáng lưu ý trong thời gian tới.

Trước hết là quan hệ giữa tiền từ ngân hàng ra lưu thông và từ lưu thông vào ngân hàng. Số dư tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối năm 2021 là 13.192,1 ngàn tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm trước. Năm 2022 còn tăng cao hơn.

Số dư tín dụng năm 2021 là 11.258,4 ngàn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022 dự kiến tăng 14-15%, cao hơn 4 năm trước.

Số dư tiền gửi năm 2021 là 11.681,9 ngàn tỷ đồng, tăng 9,24% so với năm trước. Do lãi suất tiền gửi thấp, nên tốc độ tăng năm nay sẽ không cao hơn năm trước.

Theo đó, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao hơn tốc độ tăng tiền gửi - có nghĩa là tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán và của dư nợ tín dụng cao hơn của tiền gửi - sẽ làm cho tiền từ ngân hàng ra lưu thông tăng cao hơn tiền từ lưu thông vào ngân hàng. Đây là yếu tố gây áp lực cho lạm phát.

Thứ hai là gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ với quy mô gần 350.000 tỷ đồng trong 2 năm, trong đó năm 2022 khoảng 142.000 tỷ đồng. Trong tổng gói hỗ trợ này, có 2 nội dung đáng quan tâm. Một nội dung hỗ trợ về lao động - xã hội để bù đắp một phần cho sự “bào mòn” về thu nhập trong 2 năm qua và việc tăng 7,4% trợ cấp cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội.

Một nội dung khác đáng lưu ý là gói 40.000 tỷ đồng trong 2 năm để cấp bù lãi suất. Phần tài khóa có quy mô không lớn, tuy phần lãi suất cấp bù chỉ 2% (bằng một nửa mức bù lãi suất 4% của năm 2009), nhưng kéo một lượng tín dụng không nhỏ từ ngân hàng (khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm), làm cho tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam vốn đã cao (năm 2020 đã là 146,1%, năm 2021 do tính trên GDP đánh giá lại nên giảm còn 134,1% nhưng đã rất cao so với các nước).

Thứ ba là vòng quay tiền tệ trong mấy năm qua giảm, ở mức thấp do lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Nếu năm 2022, lạm phát tăng lên so với năm trước, thì vòng quay tiền tệ sẽ tăng lên (do tình trạng tích trữ hàng hóa tăng hơn là giữ tiền mặt), làm cho cùng một lượng tiền nhưng tổng số lại tăng lên.

Thứ tư là tỷ giá VND/USD đang chịu những sức ép tăng (từ USD trên thế giới tăng, từ việc cần thiết khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để thực hiện mục tiêu xuất siêu...). Khi tỷ giá VND/USD tăng sẽ tác động đến giá hàng nhập khẩu tính bằng VND sẽ tăng kép, làm cho việc “nhập khẩu lạm phát” tăng...

Thứ năm là sự chuyển động của dòng tiền. Trong thời gian qua, có một lượng tiền không nhỏ đã được “lái” vào tiền ảo, vàng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Một số thị trường giá đã đạt “đỉnh” hoặc đã vượt qua “đỉnh” sang “dốc” bên kia, bắt đầu chuyển sang thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, làm tăng giá tiêu dùng, gây ra lạm phát.

Thứ sáu là việc “nhập khẩu lạm phát” do giá nhập khẩu tăng cao trong 2 năm qua đã làm cho “chi phí đẩy” của sản xuất - kinh doanh tăng cao, song do gặp phải sức mua thấp, nên nhiều doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận, thậm chí phải tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, phá sản (mất vốn). Sang năm nay, “chi phí đẩy” này cộng với “nhập khẩu lạm phát” tiếp tục sẽ chuyển vào hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, làm giá của thị trường này tăng, gây ra lạm phát.

Tin bài liên quan