TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch

“Lạm phát không còn là con ngựa bất kham”

(ĐTCK) TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát không còn là “con ngựa bất kham” khi từ đầu năm 2013 đến nay, CPI chỉ tăng 2,4% so với cuối năm ngoái.

Theo ông, lạm phát mục tiêu trong năm nay sẽ ở mức bao nhiêu?

Khả năng lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát ở mức 6,5%, thay vì mục tiêu đưa ra ban đầu là 6,8 - 7%/năm. “Bóng ma” lạm phát phần nào bớt ám ảnh đối với những người tham mưu chính sách vĩ mô như chúng tôi. Đầu năm 2013 đến nay, CPI chỉ tăng 2,4%, có thể nói, lạm phát không còn là “con ngựa bất kham”.

Trong các giải pháp kiểm soát lạm phát thì giải pháp tiền tệ luôn đóng vai trò quan trọng. Thực tế, lạm phát có nhiều nguyên nhân, nhưng quy cho cùng vẫn là do chính sách tiền tệ. Việc cung ứng tiền ra hay rút tiền về đều có ảnh hưởng trực tiếp lên lạm phát. Tuy nhiên, để có được kết quả kiểm soát lạm phát như ngày hôm nay thì chính sách tiền tệ phải siết chặt. Nhưng siết chặt quá chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu và thành phần ảnh hưởng lớn nhất là DN.

 

Vậy các DN phải ứng phó như thế nào trước bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Trên thực tế, đã có nhiều DN “chết”. Nhưng tôi thấy, nhiều DN Việt Nam ứng phó rất tốt trước bối cảnh khó khăn của thị trường và tình hình lạm phát cao trong thời gian qua. Tuy nhiên, để các DN, nhất là DNVVN có thể sống sót và sống khỏe trong cũng như sau giai đoạn khó khăn của thị trường, thì Nhà nước cần có thêm các giải pháp hỗ trợ, kể cả về mặt tài chính cũng như đầu ra sản phẩm.

Bởi lẽ, DNVVN là những thành phần đóng góp nhiều nhất trong tổng thuế thu nhập DN. Chẳng hạn, ở TP. HCM hiện có hơn 70.000 DN, trong đó chỉ có 30% DN có lãi để đóng thuế thu nhập DN, 70% còn lại báo lỗ. Nhưng trong số 30% DN có lãi để đóng thuế thu nhập DN thì phần lớn là các hộ kinh doanh cá thể và DNVVN.

 

Với mức lãi suất cho vay hiện tại, nhiều DNVVN cho rằng, còn quá sức chịu đựng cũng như chưa thể tiếp cận được vốn. Theo ông, lãi suất liệu có dư địa giảm thêm?

Tôi cho rằng, lãi suất hiện không còn là rào cản lớn đối với DN trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Quan trọng hơn đối với họ vẫn là đầu ra của sản phẩm. Trên thực tế, phía ngân hàng đã rộng cửa cho vay, bởi nguồn vốn huy động về đang dư thừa. Có thể lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong thời gian tới, nhưng không nhiều. Theo tôi, lãi suất cho vay trong khoảng 9 - 11%/năm là phù hợp.

 

Đối với lãi suất huy động đầu vào thì thế nào, thưa ông?

Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng có dư địa để giảm xuống 7%/năm, vì so với lạm phát mục tiêu (6,5%/năm), người gửi tiền vẫn hưởng lãi suất thực dương. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì trần lãi suất, nhưng khả năng sẽ dần dỡ bỏ trong thời gian tới để tiến tới việc lãi suất diễn biến theo cung - cầu của thị trường. Theo tôi, trần lãi suất khó có thể duy trì lâu.

 

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay liệu có khả thi?

Ước 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt gần 3%, nên đạt được mục tiêu 12% cả năm sẽ rất khó khăn. Hiện các ngân hàng đang dôi dư nguồn vốn khả dụng, nhưng không thể khơi được dòng chảy tín dụng, do tồn kho DN tăng, sức mua yếu, rào cản nợ xấu. Đối với rào cản nợ xấu, sau khi Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) ra đời, NHNN sẽ phát hành trái phiếu và chiết khấu dòng tiền cho các ngân hàng sau khi bán lại nợ xấu cho VAMC. Từ đó, các ngân hàng có thể lấy dòng tiền chiết khấu từ việc thế chấp trái phiếu để có thể bơm tín dụng. Nhưng điều quan trọng là phải kích được tổng cầu, cần có giải pháp hỗ trợ cho DNVVN.

 

Tại TP. HCM, 70% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ

Theo ông, giải pháp hỗ trợ dòng tiền cho các DNVVN nên như thế nào?

Các DNVVN luôn thiếu và yếu về khả năng tài chính nên rất cần sự hỗ trợ. Tuy nhiên, cái khó nhất đối với các DNVVN hiện nay chính là không đủ tài sản để thế chấp cho ngân hàng vay vốn. Do đó, các DN rất cần đến sự hỗ trợ từ các quỹ bảo lãnh tín dụng của thành phố hay của Trung ương. Chẳng hạn, khi một DN có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi nhưng thiếu vốn, họ tìm đến quỹ bảo lãnh tín dụng để được hỗ trợ, thì quỹ phải là người đứng ra bảo lãnh cho DN trước các ngân hàng để được ngân hàng cho vay. Thực tế hiện nay, không phải quỹ bảo lãnh nào cũng làm được công việc này. Vì thế, trong điều kiện thị trường bớt khó khăn, phía ngân hàng cũng nên xem xét để hỗ trợ các DNVVN.

 

Đánh giá của ông như thế nào về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, liệu có đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra?

GDP đạt mức tăng trưởng bao nhiêu, theo tôi, trong bối cảnh hiện nay không quan trọng so với việc phục hồi niềm tin của thị trường cũng như người dân và giới DN. Có như vậy, kinh tế mới sớm hồi phục so với mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, các giải pháp hỗ trợ hiện nay cần phải được đẩy mạnh và thực hiện một cách đồng bộ hơn.

Nhưng tôi cho rằng, khó khăn của nền kinh tế đến thời điểm này đã gần chạm đáy. Kinh tế năm 2014 sẽ dần hồi phục, tăng trưởng ở mức 6%. Hiện kinh tế Việt Nam đang phát triển dưới tiềm năng sẵn có. Mặc dù vậy, trong năm nay và năm tới, thị trường sẽ tiếp tục tái cấu trúc, có các cuộc đào thải nghiệt ngã hơn. Có nghĩa, những DN có cơ hội sống sót sẽ đào thải những DN yếu kém. Đây cũng chính là cơ hội cho những ai biết nắm bắt để làm giàu.