Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 5/2023 đã hạ nhiệt, xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 6,1%, giảm so với mức tăng 7% của tháng 4, trong bối cảnh chi phí năng lượng thấp hơn so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) trong tháng 5 giảm xuống 5,3% từ mức 5,6% trong tháng 4.
Trong đó, tại Đức, tỷ lệ lạm phát tháng 5/2023 là 6,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022, giảm đáng kể so với mức 7,2% của tháng 4/2023. Tại Pháp, lạm phát ước tính giảm mức 5,9% trong tháng 4/2023 xuống 5,1% trong tháng 5/2023. Tương tự, tỷ lệ lạm phát tại Ý trong 2 tháng qua lần lượt là 8,2% và 7,6%; tỷ lệ này tại Tây Ban Nha là 4,1% và 3,2%...
Theo ông Charles Hepworth, Giám đốc Đầu tư, GAM Investments, lạm phát hạ nhiệt là một dấu hiệu đáng hoan nghênh đối với cả nhà đầu tư trái phiếu và cổ phiếu.
Mặc dù vậy, lạm phát ở Eurozone vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cơ quan này được dự báo sẽ tiếp tục có động thái tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tính đến ngày 4/5/2023, ECB đã có 7 lần nâng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 7/2022, lên mức 3,25%/năm.
Ông Rory Fennessy, một nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Oxford Economics nhận định, nếu lạm phát trong tháng 6/2023 giảm xuống, khả năng ECB tăng lãi suất trong tháng 7 sẽ giảm đáng kể.
Trong các dự báo gần đây, ECB kỳ vọng, lạm phát năm 2023 tại Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,3%, sau đó giảm xuống 2,9% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025.
Tại Anh, lạm phát cao vẫn hiện hữu, dù giảm từ mức 10,1% trong tháng 3/2023 xuống 8,7% trong tháng 4/2023. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho rằng, Brexit sẽ được ghi nhớ như một “lỗi kinh tế lịch sử”, đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh và góp phần đẩy lạm phát lên cao. Brexit làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, gây áp lực giảm giá đồng bảng và tăng giá hàng hóa, hạn chế nhập khẩu hàng hóa, hạn chế nguồn cung lao động. Tất cả những điều đó đã góp phần làm tăng lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) kỳ vọng, lạm phát sẽ giảm xuống mức 5,1% vào quý IV/2023.
Một số nhà phân tích cho rằng, mức lạm phát cao dai dẳng có khả năng thúc đẩy BoE nâng lãi suất lên trên 5%/năm, sau khi nâng lãi suất cơ bản lên mức 4,5%/năm vào ngày 11/5/2023 - lần tăng thứ 12 liên tiếp kể từ cuối năm 2021, lãi suất khi đó là 0,1%/năm.
Đầu tháng 6 này, BoE sẽ có cuộc họp về lãi suất. Moody's dự báo, BoE có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm ít nhất 0,25% trong cuộc họp này, tương đương mức tăng trong tháng 5.
Ở Mỹ, trần nợ công và lạm phát vẫn đang là vấn đề nóng, dù Hạ viện đã quyết định đình chỉ trần nợ (31.400 tỷ USD) cho tới ngày 1/1/2025, tức gỡ bỏ giới hạn số
tiền Chính phủ Mỹ có thể vay để chi trả các nghĩa vụ (Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo, ngân sách có thể sẽ hết tiền vào ngày 5/6/2023) và ngay sau đó, Thượng viên đã bỏ phiếu thông qua.
Một số ý kiến cho rằng, dự luật trần nợ công được thông qua có thể không giúp giảm lạm phát, giảm bớt lo lắng về hưu trí hoặc hóa đơn y tế.
Kể từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 5%/năm, lên mức 5 - 5,25%/năm, cao nhất kể từ năm 2007, nhằm kiềm chế lạm phát. Thực tế, lạm phát đã được kéo giảm từ mức cao kỷ lục 9,1% trong tháng 6/2022 xuống 4,9% vào tháng 4/2023. Mặc dù vậy, không ít kiến cho rằng, Mỹ cần chuẩn bị cho một chặng đường dài và khó khăn mới có thể đưa lạm phát xuống mức mục tiêu.
Ngay cả Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhận định: “Lạm phát đã hạ nhiệt phần nào kể từ giữa năm ngoái, nhưng áp lực lạm phát vẫn cao, con đường đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% còn rất dài”.