Lạm phát hạ nhiệt, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

Lạm phát hạ nhiệt, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kéo dài đà tăng sang phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/8) sau loạt dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã có thể đạt đỉnh, đồng thời dư âm từ gói cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD vẫn đang hỗ trợ thị trường.

Đầu ngày thứ Tư (11/8), Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, lạm phát tại Mỹ tăng chậm lại trong tháng 7. Ngay cả khi vẫn ở mức cao nhất trong vòng 13 năm, đã có những dấu hiệu chỉ ra lạm phát gây ra bởi gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch tác động đến nền kinh tế có thể đã đạt đến đỉnh điểm.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 7, sau khi tăng 0,9% trong tháng 6. Trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7, CPI của Mỹ tăng 5,4%.

Giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng, vốn là nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng chóng mặt trong những tháng gần đây, ghi nhận tăng 0,2%, giảm mạnh so với mức tăng 10,5% của tháng trước. Giá vé máy bay cũng giảm 0,1%.

CPI lõi, loại trừ các thành phần lương thực và năng lượng nhiều biến động, tăng 0,3% trong tháng, sau khi tăng 0,9% trong tháng trước đó. Đây là mức tăng nhỏ nhất trong 4 tháng, cũng là lần giảm tốc đầu tiên trong kể từ tháng 2/2021.

“Những con số này sẽ khiến Fed rơi vào tình thế khó khăn đôi chút bởi họ đã đưa ra rất nhiều gợi ý về việc cắt giảm chính sách hỗ trợ hay thắt chặt lãi suất song những con số về lạm phát không hoàn toàn đúng như kỳ vọng. Dù vậy, Fed chắc chắn sẽ không cho rằng điều này đang nằm ngoài tầm kiểm soát", Steven Ricchiuto, nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Securities USA LLC ở New York cho biết.

Các nhà đầu tư rất chú ý đến áp lực lạm phát trong những tháng gần đây, lo ngại rằng việc giá cả liên tục tăng có thể thúc đẩy Fed bắt đầu giảm quy mô trường chính sách nới lỏng sớm hơn dự đoán.

Cũng trong hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed Kansas Esther George, cho biết, việc nền kinh tế Mỹ đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ báo hiệu “đã đến lúc quay về các thiết lập ban đầu”. Trong khi, Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan thì cho rằng, ngân hàng trung ương nên công bố mốc thời gian cắt giảm chương trình mua trái phiếu vào tháng tới.

Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD hôm thứ Ba, một kế hoạch ngân sách “khổng lồ” 3.500 tỷ USD khác đã được đề xuất song vấp phải nhiều ý kiến bất đồng từ cả 2 phe Dân chủ và Cộng hoà.

Cổ phiếu vật liệu và công nghiệp có phiên hoạt động tốt nhất trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 nhờ dư âm từ việc gói cơ sở hạ tầng được thông qua.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ hôm thứ Tư công bố thâm hụt ngân sách tháng 7 của nước này đạt kỷ lục 302 tỷ USD do chi tiêu cứu trợ Covid-19 vẫn tăng. Thâm hụt của Mỹ trong 10 tháng đầu năm tài chính 2021 ghi nhận 2.540 nghìn tỷ USD, giảm 10% so với mức kỷ lục 2.807 nghìn tỷ USD của năm trước đó.

Trong khi hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 lập đỉnh mới thì Nasdaq Composite giảm điểm trong phiên đêm qua. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đang trong xu hướng đi ngang.

Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Dow Jones tăng 220,3 điểm (+0,62%), lên 35.484,97 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,95 điểm (+0,25%), lên 4.447,7 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 22,95 điểm (-0,16%), xuống 14.765,14 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục được phủ xanh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư trong khi các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tốt cho thị trường, bên cạnh dữ liệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt làm dịu đi những lo lắng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Kết thúc phiên 11/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 59,10 điểm (+0,83%), lên 7.220,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 55,38 điểm (+0,35%), lên 15.826,09 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 37,78 điểm (+0,55%), lên 6.857,99 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ và cổ phiếu tài chính nhận được hỗ trợ từ lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng phục hồi, bù đắp cho đà sụt giảm ở nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ trước thông tin nhà phát triển bất động sản China Evergrande Group lên kế hoạch bán một số tài sản nhất định để hàn gắn niềm tin đối với ngành này.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp khi các ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này tiếp tục tăng lên mức kỷ lục.

Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 182,36 điểm (+0,65%), lên 28.070,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,69 điểm (+0,07%), lên 3.532,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 54,54 điểm (+0,20%), lên 26.660,16 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 22,57 điểm (-0,70%), xuống 3.220,62 điểm.

Giá vàng đêm qua nhảy vọt mạnh mẽ khi lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, USD suy yếu so với nhiều đồng tiền khác.

Kết thúc phiên 11/8, giá vàng giao ngay tăng 23,00 USD (+1,33%), lên 1.751,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 21,50 USD (+1,24%), lên 1.751,20 USD/ounce.

Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Tư sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ không yêu các nhà sản xuất Mỹ tăng sản lượng, tuy nhiên kêu gọi OPEC từ bỏ việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi để giảm giá cho người tiêu dùng.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm trong tuần trước, trong khi tồn kho xăng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 do nhu cầu tăng.

Mức tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ trong bốn tuần qua ở mức 20,6 triệu thùng/ngày, gần tương đương với mức tại thời điểm năm 2019.

Kết thúc phiên 11/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,96 USD (+1.41%), lên 69,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,81 USD (+1,15%), lên 71,44 USD/thùng.

Tin bài liên quan