Chỉ số S&P 500 trong phiên đã có lúc vượt qua mốc 4.500 điểm lần đầu tiên sau hai tháng và Nasdaq cũng chạm mức đỉnh trong hai tháng, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã hạ nhiệt trong tháng 10, một phần do giá xăng dầu đi xuống.
Cụ thể, trong tháng 10/2023, chỉ số CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước và đi ngang so với tháng trước. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo CPI tăng 3,3% so với cùng kỳ và tăng 0,1% so với tháng 9.
Chỉ số CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) – một thước đo lạm phát ưa thích của Fed chỉ tăng 0,2% so với tháng 10 và 4% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo 0,3% và 4,1% của các chuyên gia.
"Chúng tôi rất vui khi thấy cả CPI và CPI lõi đều thấp hơn dự kiến. Điều này mở ra hy vọng rằng Fed đã xong việc, không còn gì để làm ở đây. Đây đang là những gì Fed đang tìm kiếm, lạm phát hạ nhiệt, thị trường lao động chậm lại, trong khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng”, Thomas Hayes, Chủ tịch quỹ đầu cơ Great Hill Capital ở New York, cho biết.
Sau dữ liệu, giới phân tích đã xóa bỏ đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nữa và tăng dự báo về việc sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 5/2024. Họ hiện đang định giá 100% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng tới, theo công cụ Fedwatch của CME Group.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, với lợi suất hai năm, phản ánh tốt nhất kỳ vọng lãi suất ngắn hạn đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần.
Kết thúc phiên 14/11: Chỉ số Dow Jones tăng 489,83 điểm (+1,43%), lên 34.827,70 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 84,15 điểm (+1,91%), lên 4.495,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 326,64 điểm (+2,37%), lên 14.094,38 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng lên mức cao nhất trong một tháng, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ hạ nhiệt làm dấy lên kỳ vọng rằng Fed đã kết thúc đợt tăng lãi suất và có thể sớm bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,34% lên 452,60, với nhóm cổ phiếu bất động sản nhạy cảm với lãi suất tăng 7% và ở mức cao nhất kể từ tháng 3.
Hỗ trợ chứng khoán còn đến từ lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro giảm mạnh sau dữ liệu CPI của Mỹ, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là sẽ giữ lãi suất ổn định trong năm tới, với phần lớn các nhà kinh tế được Reuters thăm dò bám sát dự báo rằng lần cắt giảm đầu tiên sẽ phải đợi đến ít nhất là tháng 7/2024.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế của Morgan Stanley kỳ vọng ECB sẽ đưa ra đợt cắt giảm 0,25% lần đầu tiên vào tháng 6.
Ngoài nhóm bất động sản, ngành tài nguyên cơ bản cũng tăng tốt 3,7% khi Glencore tăng 4,5% sau khi đồng ý mua 77% cổ phần trong hoạt động kinh doanh than sản xuất thép của công ty khai thác mỏ Canada Teck Resources với giá 6,93 tỷ USD bằng tiền mặt.
Cổ phiếu công ty thực phẩm trực tuyến Delivery Hero của Đức tăng 10,4% sau khi tăng nhẹ dự báo cả năm.
Kết thúc phiên 14/11: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 14,64 điểm (+0,20%), lên 7.440,47 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 269,43 điểm (+1,76%), lên 15.614,43 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 98,62 điểm (+1,39%), lên 7.185,68 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ kỳ vọng rằng các công ty trong nước sẽ tiếp tục công bố triển vọng tích cực, với đồng yên dao động gần mức thấp nhất trong ba thập kỷ so với đồng USD.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,34% lên 32.695,93 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,37% lên 2.345,29 điểm.
"Mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp Nhật Bản đã qua đỉnh điểm và các nhà đầu tư xác nhận nhiều công ty đã nâng triển vọng. Thêm vào đó, với việc đồng yên dao động gần mức 152 yên/USD có một kỳ vọng rằng các công ty Nhật Bản sẽ nâng triển vọng lợi nhuận cao hơn nữa trong năm nay", Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Tachibana Securities, cho biết.
Chứng khoán Trung Quốc chật vật tìm hướng đi, khi dữ liệu trong tháng 10 báo hiệu nhu cầu tín dụng yếu, làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn phức tạp.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,31% lên 3.056,07 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,07% lên 3.582,06 điểm.
Các ngân hàng Trung Quốc đã gia hạn 738,4 tỷ nhân dân tệ (101,3 tỷ USD) cho các khoản vay mới trong tháng 10, giảm từ 2,31 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 9, nhưng cũng vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích.
Goldman Sachs cho biết họ tiếp tục kỳ vọng Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 0,1% và cắt giảm 0,25% RRR (tỷ lệ dự trữ bắt buộc) trước cuối năm nay.
Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy nhiều dấu hiệu suy yếu mới, Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho biết. "Tăng trưởng xuất khẩu suy yếu trở lại trong tháng 10 mặc dù cơ sở thấp hơn. Lạm phát CPI lại giảm xuống vùng âm".
"Ổn định tăng trưởng không vững chắc", ông nói thêm rằng Bắc Kinh cần có hành động mạnh mẽ hơn để giải cứu lĩnh vực bất động sản và làm sạch nợ của chính quyền địa phương để đảm bảo sự phục hồi bền vững hơn.
Chứng khoán Hồng Kông giằng co và kết phiên giảm, khi lo ngại về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn kéo dài khi dữ liệu tín dụng không đạt kỳ vọng. Tâm lý vẫn thận trọng cũng mạnh lên trước khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,17% xuống 17.398,86 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,41% xuống 5.964,54 điểm.
Đáng chú ý, China International Capital Corp tăng 8,2% và China Galaxy Securities tăng 4,5%. Cả hai công ty đều phủ nhận tin đồn về kế hoạch tái tổ chức hoặc sáp nhập một ngày trước đó.
Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục mạnh, dẫn đầu là các nhà sản xuất pin, khi tổng thống nước này trấn an lệnh cấm bán khống sẽ vẫn còn cho đến khi có những cải thiện cơ bản.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 29,49 điểm, tương đương 1,23% lên 2.433,25 điểm.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết lệnh cấm bán khống cổ phiếu sẽ được duy trì, vì thực tế này trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng và nếu không sẽ khiến thị trường chứng khoán trị giá 1.800 tỷ USD kém minh bạch hơn.
Các cổ phiếu pin tăng tốt với Nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 5,17%, Samsung SDI và SK Innovation tăng lần lượt 4,32% và 2,52%.
Kết thúc phiên 14/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 110,82 điểm (+0,34%), lên 32.695,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,54 điểm (+0,231%), lên 3.056,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 29,35 điểm (-0,17%), xuống 17.396,86 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 29,49 điểm (+1,23%), lên 2.433,25 điểm.
Giá dầu thô giảm do các dấu hiệu cho thấy căng thẳng ở Trung Đông có thể hạ nhiệt và sự không chắc chắn về tồn kho dầu của Mỹ.
Kết thúc phiên 14/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,17 USD/thùng (-0,22%), xuống 78,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,05 USD/thùng (-0,06%), xuống 82,47 USD/thùng.