Lạm phát giá lương thực đang gây áp lực lên các quốc gia nghèo hơn

Lạm phát giá lương thực đang gây áp lực lên các quốc gia nghèo hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá lương thực toàn cầu đã tăng trong hơn một năm qua và gây áp lực lớn lên các thị trường mới nổi. Đây cũng là các thị trường mà thu nhập của những người nghèo nhất có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu.

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực đã tăng 40% trong 15 tháng qua, mức tăng lớn nhất kể từ khi giá lương thực tăng cao được thúc đẩy trong tình trạng bất ổn của giai đoạn Mùa xuân Ả Rập năm 2010 - 2011.

Giá cả hàng hóa tăng không phải lúc nào cũng có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng lần này, các nhà kinh tế tại JPMorgan đã lập luận rằng chi phí ngày càng tăng là một dấu hiệu đang cản trở tăng trưởng kinh tế.

JPMorgan cho biết, kết quả của giá lương thực tăng sẽ là “sức mua đè nặng lên các hộ gia đình” mà có lẽ đã góp phần làm giảm niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu vào mùa hè này. Tác động này là lớn hơn nhiều ở các thị trường mới nổi và có thể kéo dài sang năm sau.

Giá lương thực và giá năng lượng thường có xu hướng không ổn định. Các yếu tố như thời tiết và sự gián đoạn của địa phương thường có thể làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Do đó, giá lương thực và năng lượng thường bị loại ra khi tính lạm phát lõi – chỉ số được các nhà hoạch định chính sách của các ngân hàng trung ương theo dõi chặt chẽ nhất.

Tuy nhiên, trong năm nay, cả giá lương thực và lạm phát cơ bản đều chịu tác động như nhau do tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển tăng cao và những gián đoạn khác do đại dịch Covid-19 gây ra. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương có nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trước áp lực giá cả tăng cao.

JPMorgan cho biết điều này đặc biệt có khả năng xảy ra ở những quốc gia có lạm phát cao và người tiêu dùng lo lắng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không kiểm soát được lạm phát như ở Brazil, Nga, Mexico, Colombia và Peru.

Hôm thứ Sáu (10/9), các nhà phân tích tại Deutsche Bank cho biết rằng ngay cả khi giá hàng hóa giảm trở lại, nguy cơ lạm phát ở các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao. Các nhà phân tích cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương “sẽ có một chính sách tiền tệ ngày càng khó khăn khi đánh đổi giữa lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Nga đã tăng lãi suất chính sách vào thứ Sáu (10/6) và đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay trong bối cảnh giá cả tăng mạnh. Ở các quốc gia khác, các nhà hoạch định chính sách có thể phải tăng lãi suất hơn nữa và điều này sẽ khiến đà phục hồi kinh tế gặp nhiều trở ngại.

Tin bài liên quan