Trước đại dịch, ý tưởng cho rằng tỷ lệ lạm phát hàng năm là 10% trong khu vực đồng euro dường như là một câu chuyện khó xảy ra. Trong khi đó, lạm phát khu vực đồng euro đã là 10,6% trong tháng 10 và có phần hạ nhiệt trong tháng 11, đạt mức 10%. Một bất ngờ tương tự cũng diễn ra tại Mỹ.
Khi lạm phát giảm, tốc độ tăng lãi suất dự kiến cũng sẽ có phần chậm lại.
Vào ngày 14-15/12, Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, giảm tốc so với mức tăng 75 điểm cơ bản đã diễn ra phổ biến trong các cuộc họp gần đây.
Trên toàn cầu, lạm phát đã bắt đầu giảm chủ yếu do giá năng lượng hạ nhiệt đáng kể kể từ mùa hè và do các chuỗi cung ứng toàn cầu đang hoạt động trơn tru hơn. Tuy nhiên, lạm phát vẫn còn cách mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương rất xa. Có ba lý do để cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ còn rất khó khăn để sớm đạt được mục tiêu của mình.
Đầu tiên là sự khan hiếm nhân công liên tục. Trong khi tin tức về giá cả hạ nhiệt là tích cực, nhưng dữ liệu tiền lương mới nhất vẫn là yếu tố đáng lo ngại. Ở Mỹ, thu nhập trung bình mỗi giờ đã cho thấy những dấu hiệu giảm nhẹ đáng khích lệ kể từ tháng 8. Nhưng các số liệu cập nhật được công bố vào ngày 2/12 đã đảo ngược bức tranh, cho thấy mức tăng trưởng của thu nhập trung bình mỗi giờ là 5,1% trong ba tháng qua, gần như phù hợp với các cuộc khảo sát khác.
Kể từ khi dữ liệu được đưa ra, thị trường chứng khoán ở Mỹ đã giảm và dự đoán lãi suất sẽ tăng kéo dài. Ở Anh, tiền lương đang tăng với tốc độ tương tự trong khi một làn sóng đình công có thể dẫn đến sự gia tăng lớn hơn nữa. Thị trường lao động của khu vực đồng euro, mặc dù không quá nóng, nhưng đủ nóng để khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng lạm phát năng lượng có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế khi người lao động mặc cả để có mức lương cao hơn để bù đắp chi phí sinh hoạt gia tăng.
Vấn đề thứ hai là chính sách tài khóa. Một chính sách đúng đắn sẽ giúp các ngân hàng trung ương hạ nhiệt thị trường lao động nếu các chính phủ giảm thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) gần đây của Mỹ chỉ tạo ra một vết lõm nhỏ trong việc vay nợ của chính phủ và chính quyền Biden đang cố gắng xóa nợ cho các khoản nợ của sinh viên.
Châu Âu đang đẩy mạnh trợ cấp năng lượng bất chấp cảnh báo từ IMF và các tổ chức khác, rằng thật không khôn ngoan khi kích thích các nền kinh tế thiếu năng lực sản xuất dự phòng. Nếu EU duy trì các biện pháp đó trong suốt năm 2023, chi phí sau khi trừ các khoản thuế được huy động để tài trợ cho các khoản tài trợ sẽ đạt gần 2% GDP. Nhìn chung, quá trình thắt lưng buộc bụng được ca ngợi nhiều của Anh sẽ không bắt đầu cho đến năm 2025 do mức trần giá năng lượng đắt đỏ của nước này.
Gần 2/3 chi tiêu năng lượng của EU là nhằm để kiểm soát giá cho tất cả mọi người, điều này rất tốn kém và không khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Chỉ 1/5 chi tiêu dưới hình thức phân phối lại có mục tiêu cho người nghèo, cách tiếp cận được đề xuất bởi IMF. Ngay cả Đức, quốc gia chỉ giới hạn mức giá tối đa 80% so với mức sử dụng trước đây của một hộ gia đình, vẫn đang vay để tài trợ cho chương trình này.
Nguy cơ cuối cùng là lạm phát năng lượng quay trở lại vào năm 2023. Năm nay, các nền kinh tế châu Âu đã được hưởng lợi từ tính cạnh tranh ít hơn của nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) khan hiếm trên toàn cầu, một phần là do nền kinh tế Trung Quốc đã bị cản trở bởi chính sách Zero Covid dẫn tới nhu cầu suy giảm.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch. Nếu nền kinh tế của nước này mở cửa trở lại và phục hồi, giá khí đốt có thể tăng cao vào năm 2023.
Cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương đã đạt tới điểm uốn (inflection point). Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương sẽ không giành được chiến thắng trong một thời gian dài.