Lạm phát của Mỹ tăng trở lại trong tháng 11

Lạm phát của Mỹ tăng trở lại trong tháng 11

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá tiêu dùng của Mỹ tăng trong tháng 11 do chi phí nhà ở và lĩnh vực dịch vụ tăng, khiến lạm phát đủ mạnh để cản trở bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.

Theo số liệu mới nhất được công bố hôm thứ Ba (12/12), chỉ số giá tiêu dùng tăng (CPI) tháng 11 tăng 0,1% so với tháng trước sau khi ít thay đổi trong tháng 10 và CPI cơ bản cũng tăng tốc 0,3% so với tháng trước.

Giá tiêu dùng đã tăng 3,1% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 3,2% trong tháng 10, bằng khoảng 1/3 so với mức đỉnh điểm vào giữa năm 2022.

Dữ liệu đã nhấn mạnh tính chất khó lường của việc đưa lạm phát trở lại bình thường, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ - lĩnh vực mà Fed xem là chặng cuối trong cuộc chiến kiểm soát lạm phát. Trong khi áp lực về giá phần lớn đã giảm bớt so với mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.

“Lạm phát tốt hơn so với thời điểm một năm trước, nhưng nếu đó thực sự là xu hướng lạm phát cơ bản, thì tôi không nghĩ chúng ta sắp đến ngưỡng nới lỏng của Fed vào thời điểm này vì con số đó vẫn còn khá xa so với mức 2%... Tôi xem sự lạc quan của thị trường xung quanh việc cắt giảm lãi suất sớm là quá sớm vào thời điểm này”, Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng Mỹ tại Santander US Capital Markets cho biết.

Bất chấp áp lực giá cả tăng lên, lạm phát nhìn chung vẫn có xu hướng giảm. Dữ liệu lạm phát cơ bản trong 6 tháng của Fed lần đầu tiên đã giảm xuống dưới 3% kể từ đầu năm 2021.

“Ngay cả khi lạm phát cơ bản của tháng 11 tăng lên với tốc độ phù hợp hơn với lạm phát hàng năm là 3%, các dữ liệu dài hạn cho thấy Fed đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm lạm phát trong sáu tháng qua”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Không giống như dịch vụ, giá hàng hóa giảm liên tục đã mang lại sự nhẹ nhõm cho người tiêu dùng trong những tháng gần đây. Giá hàng hóa không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và năng lượng, đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp, đánh dấu chuỗi dài nhất kể từ năm 2003.

Omair Sharif, người sáng lập Inflation Insights LLC cho biết: “Báo cáo này kết hợp tình trạng giảm phát nghiêm trọng ở hàng hóa cơ bản với sức mạnh của các dịch vụ cơ bản. Do đó, tôi không nghĩ đây là một con số tuyệt vời đối với các quan chức Fed hoặc những người tham gia thị trường đang kỳ vọng thay đổi cuộc thảo luận sang việc cắt giảm lãi suất”.

Người tiêu dùng ngày càng lạc quan hơn về quỹ đạo lạm phát đang hướng tới. Các báo cáo riêng biệt trong tháng này cho thấy kỳ vọng lạm phát trong ngắn hạn hiện ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, được hỗ trợ bởi giá xăng thấp hơn.

Trong thời gian tới, câu hỏi quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách không phải là khi nào họ sẽ cắt giảm lãi suất mà là tại sao. Trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế trong tháng này, khoảng 72% cho biết việc cắt giảm lãi suất sẽ là để ứng phó với tình trạng lạm phát hạ nhiệt, trong khi phần còn lại cho biết đó là do suy thoái kinh tế bắt đầu.

Tin bài liên quan