Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thậm chí còn tăng hơn mức ước tính 8,3% của Dow Jones. Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, thì chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (core CPI) đã tăng 6%, cao hơn một chút so với mức ước tính 5,9%. Giá nhà ở, xăng dầu và thực phẩm tăng vọt đều góp phần làm tăng CPI.
Nhà kinh tế trưởng John Leer của Morning Consult cho biết: “Thật khó để nhìn vào dữ liệu lạm phát của tháng 5 mà không thất vọng”.
Dữ liệu lạm phát của tháng 5 cũng củng cố khả năng nhiều lần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp sắp tới.
Julian Brigden, Chủ tịch công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu MI2 Partners cho biết: “Rõ ràng là không có gì là tốt trong báo cáo này. Không có gì trong đó sẽ mang lại cho Fed bất kỳ sự cổ vũ nào”.
Với mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay, các thị trường đều kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách trong năm và có thể vào năm 2023. Theo ước tính của CME Group, lãi suất vay ngắn hạn chuẩn của ngân hàng trung ương hiện được giữ ở mức 0,75 - 1% và là dự kiến sẽ tăng lên 2,75 - 3% vào cuối năm.
Các quan chức chính quyền Mỹ phần lớn cho rằng, sự gia tăng các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid, sự mất cân bằng được tạo ra bởi nhu cầu hàng hóa quá lớn so với dịch vụ và xung đột Nga-Ukraine là nguyên nhân thúc đẩy lạm phát.
Mike Loewengart, Giám đốc điều hành chiến lược đầu tư tại E*Trade cho biết: "Con số CPI cao hơn dự kiến sẽ làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư. Thật đáng thất vọng khi thấy rằng chúng ta chưa có cách đối phó với lạm phát bất chấp những nỗ lực của Fed”.
Con số lạm phát cao ngất ngưởng của tháng 5 cũng xuất hiện khi các nhà lãnh đạo chính phủ ngày càng nhấn mạnh trách nhiệm của ngân hàng trung ương trong việc giảm thiểu giá cả tăng cao. Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện vào đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thừa nhận rằng, bà và Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể phải sử dụng ngôn ngữ khác với "tạm thời" để mô tả lạm phát, đồng thời gọi mức lạm phát hiện tại là "không thể chấp nhận được”.