Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 đã tăng 0,3% so với tháng 3, sau khi tăng 0,4% trong tháng 3 và tháng 2, thấp hơn so với ước tính 0,4% của Dow Jones. Tuy nhiên, trên cơ sở 12 tháng, CPI đã tăng 3,4% sau khi tăng 3,5% trong tháng 3 và phù hợp với ước tính của các nhà phân tích.
Không bao gồm thực phẩm và năng lượng, chỉ số lạm phát cơ bản ở mức 0,3% so với tháng trước và 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cả hai đều đúng như dự báo.
Đối với báo cáo lạm phát, mức tăng giá trong tháng được thúc đẩy chủ yếu bởi sự gia tăng cả về nơi ở và năng lượng.
Trước đó, lạm phát đã tăng cao bất ngờ trong ba tháng đầu năm nay sau khi giảm liên tục vào nửa cuối năm 2023. Chỉ số lạm phát tăng cao đã làm mờ đi hy vọng rằng đợt lạm phát tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ đang nhanh chóng được kiểm soát.
Do đó, dữ liệu lạm phát mới được công bố cho thấy lạm phát đang quay lại xu hướng giảm vào đầu quý hai sẽ góp phần thúc đẩy kỳ vọng của thị trường tài chính về kỳ vọng cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cấp cao của Bankrate cho biết: “Việc không có bất ngờ khó chịu nào xảy ra lần này là điều đáng hoan nghênh…Tuy nhiên, với mức tăng 3,4% của CPI toàn phần so với cùng kỳ năm trước và 3,6% của CPI cơ bản, những mức này vẫn ở mức cao khó chịu. Tình trạng của cuộc chiến kiểm soát lạm phát đòi hỏi lãi suất phải tiếp tục tăng cao trong ngắn hạn”.
Trong khi đó, Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế thị trường của Spartan Capital Securities ở New York cho biết: “Miễn là lạm phát đi đúng hướng và tiến gần hơn đến mục tiêu của Fed, chúng ta sẽ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Nếu con số này cải thiện đáng kể thì có khả năng sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất”.
Thị trường đang kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ giảm trong quý hai và giá cả sẽ dần dần tiến tới mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi thị trường lao động đang có dấu hiệu hạ nhiệt.