Lạm phát của Hàn Quốc vẫn ở mức cao

Lạm phát của Hàn Quốc vẫn ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu trên Cổng thống kê quốc gia (KOSIS) của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc cho thấy, chỉ số CPI cơ bản (không bao gồm mặt hàng nông sản và xăng, dầu) trong 7 tháng đầu năm của Hàn Quốc đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức tăng cao nhất sau mức tăng 6,8% giai đoạn 7 tháng đầu năm 1998, thời điểm ngay sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, cao hơn cả mức tăng 4,2% vào 7 tháng đầu năm 2008, thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nguyên nhân chính là do giá các mặt hàng dịch vụ ăn uống tăng cao.

CPI cơ bản của Hàn Quốc thường chỉ tăng ở ngưỡng khoảng 1-2%, nhưng từ cuối năm 2021 đã bắt đầu tăng mạnh.

Tháng 1/2022, chỉ số này tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021, sang tháng 1 năm nay đã tăng 5%, sau đó mức tăng giảm dần, nhưng tốc độ giảm vẫn còn chậm.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng, nguyên nhân chính khiến lạm phát lõi của Hàn Quốc tăng vọt là do giá thực phẩm tăng cao.

Một quan chức của Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc cho biết, xét về đóng góp vào lạm phát, đóng góp của khu vực dịch vụ cá nhân tập trung vào giá ăn uống bên ngoài là cao nhất. Ngoài ra, còn phải kể đến giá nguyên liệu thô tăng cao do hậu quả của xung đột Nga - Ukraine.

Mặc dù gần đây tốc độ tăng của lạm phát lõi đã giảm nhẹ, tuy nhiên mức tiêu thụ dịch vụ vẫn ngày càng tăng nên giới chuyên gia cho rằng, rất khó để đảm bảo CPI lõi trong tương lai của Hàn Quốc có giảm hơn nữa hay không.

Trước thực trạng giá cả leo thang, Chính phủ Hàn Quốc đang huy động Ủy ban Thương mại Công bằng và Cục Thuế Quốc gia vào cuộc quản lý vật giá một cách toàn diện.

Ủy ban Thương mại Công bằng đã bắt đầu theo dõi xu hướng giá của các sản phẩm thực phẩm chính vào tháng 6 sau khi Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế kiêm Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Choo Kyung-ho đề cập đến giá mì ăn liền.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) dự báo giá tiêu dùng của Hàn Quốc sẽ tăng dao động ở ngưỡng trên dưới 3%, mức tăng giá tiêu dùng cơ bản sẽ có chiều hướng chững lại, nhưng vẫn cao hơn dự báo ban đầu là 3,3%.

BoK cũng cho rằng, vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn tác động tới vật giá, như xu hướng giá dầu quốc tế, điều kiện thời tiết, tình hình kinh tế trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan