Bảo hiểm xe cơ giới có thể giảm dưới tác động của lạm phát cao

Bảo hiểm xe cơ giới có thể giảm dưới tác động của lạm phát cao

Lạm phát cao, bảo hiểm đắc lợi

(ĐTCK) Lạm phát cao, một bộ phận dân cư cảm thấy rủi ro tăng lên và quyết định tham gia mua bảo hiểm hoặc tăng tiền mua bảo hiểm.

Năm 2012, dự đoán toàn ngành bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt về lợi nhuận do chú trọng hơn đến hiệu quả kinh doanh.

 

Có tác động tiêu cực

Đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, lạm phát không chỉ làm giảm lượng khách hàng mà những chính sách về điều hành kinh tế thay đổi cũng khiến các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức. Trên thực tế, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã tiến hành cắt giảm đầu tư công, thắt chặt chi tiêu.

Việc này một mặt làm giảm nhu cầu bảo hiểm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới cầu của các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ; mặt khác, việc giảm các dự án xây dựng mới sẽ làm suy giảm doanh thu từ các sản phẩm bảo hiểm xây dựng lắp đặt (nghiệp vụ này chiếm một tỷ trọng khá lớn, khoảng 30 - 40% trong danh mục sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ).

Vì vậy, trong kế hoạch năm 2011, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều đã tính tới yếu tố này và xem đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới việc giảm doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật.

Ngoài tác động của việc cắt giảm chi tiêu công, việc thắt chặt tín dụng cũng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thu gọn sản xuất, để giảm thiểu chi phí không thật sự bức thiết và không tạo ra lợi nhuận. Các khoản chi cho bảo hiểm cũng được nằm trong danh sách cắt giảm.

Ngoài ra, trong lúc giá cả đồng loạt tăng, có một nghịch lý là phí bảo hiểm vẫn giữ nguyên. Trong một số trường hợp, để cạnh tranh giành giật khách hàng, nhiều doanh nghiệp còn hạ phí bảo hiểm, mở rộng thêm điều khoản, bảo hiểm cho cả những rủi ro phi kỹ thuật. Đây là tình trạng gây bức xúc trong nhiều năm, chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới - một trong những nghiệp vụ mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp, đa số khách hàng và các xí nghiệp vận tải xe cho rằng, phí bảo hiểm hiện nay là quá thấp. Và tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ là điều đương nhiên.

Lạm phát không chỉ tác động làm giảm doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm, mà mảng đầu tư tài chính của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng bị ảnh hưởng, bởi thị trường chứng khoán từ đầu năm tới nay vẫn ảm đạm, thị trường bất động sản “đóng băng” và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Song vẫn tăng trưởng cùng tác động tích cực

Ở một khía cạnh khác, lạm phát làm tăng rủi ro cho nền kinh tế và khi đó, nhu cầu về bảo hiểm lại gia tăng. Nhìn lại bức tranh tăng trưởng của thị trường trong những năm qua: năm 2006, lạm phát 7,7%, thì bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 16,78%; năm 2007, lạm phát 12,63%, bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng 28%; năm 2008, lạm phát tăng tới 22%, tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng đột biến 33,52%... Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, năm 2010, lạm phát của Việt Nam là 11,5%, tăng trưởng của các bảo hiểm phi nhân thọ là gần 25%. Đây là một tín hiệu lạc quan.

Tính tới thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay đang trở thành gánh nặng cho nhiều DN cũng như các cá nhân. Lãi suất tăng cao lên hơn 20%/năm khiến các DN phải gác lại kế hoạch mở rộng sản xuất. Thêm vào đó, khi lạm phát có xu hướng tăng lên, giá trị quyền lợi bảo hiểm sẽ có xu hướng giảm, ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của khách hàng mua bảo hiểm theo hướng giảm nhu cầu mua.

Tuy nhiên, cũng có nhận định, lạm phát làm tăng rủi ro cho nền kinh tế, khi đó nhu cầu về bảo hiểm lại tăng lên. Như vậy, lạm phát cũng sẽ không ảnh hưởng lớn tới doanh thu của DN bảo hiểm. Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2010, theo Bộ Tài chính, nhóm đứng đầu top DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam ăn nên làm ra trong năm 2010 là các công ty bảo hiểm.

Có thể thấy, lạm phát và tốc độ tăng trưởng của GDP không phải là yếu tố tác động lớn tới tốc độ tăng trưởng "nóng" của thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng. Đơn cử, năm 2008, khi GDP chỉ đạt 6,23% so với mức 8,48% của năm 2007 và lạm phát tăng tới 22% thì tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ lại đột biến là 33,52%.

Đối mặt với lạm phát, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang có các biện pháp để hạn chế tác động của lạm phát, tăng doanh thu và cắt giảm chi phí để gia tăng lợi nhuận. Các hợp đồng bảo hiểm được sàng lọc kỹ càng, hoạt động cạnh tranh hướng tới chất lượng dịch vụ hơn là cạnh tranh phi kỹ thuật.

Theo đánh giá của chúng tôi, mặc dù năm 2011 còn nhiều khó khăn, song với sự đồng lòng của các doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm năm 2012 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và an toàn. Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm ngày càng giảm.

Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí, mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm phi kỹ thuật đã hạ nhiệt. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã quản lý tốt rủi ro, chú trọng đến hiệu quả kinh doanh hơn là tăng doanh thu bằng mọi giá. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành ước đạt 17.362 tỷ đồng, trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 10.123 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010.