Lạm phát các quốc gia OECD giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm

Lạm phát các quốc gia OECD giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát ở các nền kinh tế giàu nhất thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 10, khiến các ngân hàng trung ương tự tin hơn rằng đã tăng lãi suất đủ cao.

Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hôm thứ Ba (5/12) cho thấy tốc độ tăng giá tiêu dùng hàng năm ở OECD đã chậm lại xuống 5,6% trong tháng 10, giảm từ mức 6,2% trong tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,7% vào tháng 10/2022 khi chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra.

Dữ liệu cũng cho thấy lạm phát đang giảm trên khắp các nền kinh tế phát triển, do tốc độ tăng giá cả chung đã giảm ở 28 trên 38 quốc gia thành viên trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng mạnh lãi suất trong hai năm qua để đưa lạm phát trở lại mục tiêu ổn định giá cả, nhưng Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp gần đây nhất.

Lạm phát đang hạ nhiệt ở các quốc gia thuộc OECD

Lạm phát đang hạ nhiệt ở các quốc gia thuộc OECD

George Curtis, nhà quản lý danh mục đầu tư tại TwentyFour Asset Management cho biết: “Trong vài tuần gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi trong giọng điệu từ các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển, với thông điệp diều hâu thống trị phần lớn hai năm qua cuối cùng đã dịu đi. Thị trường hiện đang tìm kiếm đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên mà không phải đợt tăng lãi suất cuối cùng”.

Dữ liệu riêng biệt được công bố vào tuần trước của khu vực đồng euro cho thấy xu hướng này tiếp tục diễn ra vào tháng 11 với lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm nhiều hơn dự kiến xuống 2,4% trong tháng 11 từ mức 2,9% của tháng trước.

Sự hạ nhiệt mới nhất về tăng trưởng giá của khu vực đồng euro, đưa nó đến gần mục tiêu 2% của ECB, đã được các nhà hoạch định lãi suất cấp cao hoan nghênh như một dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đang tỏ ra hiệu quả.

Isabel Schnabel, thành viên hội đồng quản trị ECB cho biết, sự suy giảm “khá đáng chú ý” trong áp lực giá cơ bản cho thấy ngân hàng đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu và “việc tăng lãi suất thêm là khó xảy ra”.

Bình luận của bà cho thấy sự thay đổi quan điểm của thành viên diều hâu nhất trong ban điều hành ECB, vì chỉ cách đây một tháng bà đã cho biết còn quá sớm để loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm.

Tuy nhiên, bà Isabel Schnabel cho rằng còn quá sớm để thảo luận về thời điểm lãi suất có thể bắt đầu cắt giảm và cảnh báo có khả năng “lạm phát gia tăng” trong những tháng tới, do các khoản trợ cấp của chính phủ nhằm hạn chế giá cả sẽ bị thu hồi. “Sau hơn hai năm lạm phát vượt mục tiêu, chúng ta cần phải thận trọng”, bà nhấn mạnh.

Dữ liệu cho thấy việc giảm lạm phát trên toàn OECD được thúc đẩy bởi giá năng lượng hạ nhiệt, với mức giảm 4,8% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát lương thực đã giảm xuống 7,4% trong tháng 10 từ mức 8,1% trong tháng 9, với mức giảm được ghi nhận ở 32 trên 38 quốc gia thành viên OECD. Lạm phát lương thực thấp hơn nhiều so với mức cao nhất là 16,2% vào tháng 11/2022.

OECD lưu ý rằng lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực và năng lượng, chỉ giảm nhẹ xuống 6,5% trong tháng 10 từ mức 6,6% của tháng 9. Đối với tất cả các nước G7, ngoại trừ Nhật Bản, lạm phát năng lượng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến mức tăng giá trong tháng 10.

Tin bài liên quan