Lạm phát ám ảnh, giới đầu tư tháo chạy

Lạm phát ám ảnh, giới đầu tư tháo chạy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lao dốc mạnh trong phiên ngày thứ Tư (10/11) khi nỗi lo lạm phát lại quay lại ám ảnh nhà đầu tư.

Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,9% trong tháng 10, sau khi tăng 0,4% vào tháng 9. Đây là mức tăng lớn nhất trong 4 tháng, kéo chỉ số CPI hàng năm tăng lên 6,2%, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 11/1990.

Việc giá cả hàng hoá tăng trên diện rộng trong tháng trước chủ yếu do giá xăng tăng mạnh 6,1%. Dầu thô Brent đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm đến nay do nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi đang làm tăng nhu cầu.

Theo Bộ Lao động Mỹ, vẫn còn nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao vào năm 2022 khi chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn. Áp lực lạm phát cũng đang gia tăng trên thị trường lao động với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng đang khiến tiền lương tăng cao.

Phát biểu sau khi CPI được công bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ chỉ đạo Hội đồng kinh tế quốc gia Nhà Trắng "theo đuổi các biện pháp nhằm hạ nhiệt chi phí năng lượng” và cam kết sẽ “chiến đấu” với tình trạng lạm phát.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trấn an thị trường rằng, áp lực giá hàng hóa gia tăng sẽ không kéo dài và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng hành động nếu cần để ngăn chặn đà tăng lạm phát.

Tuy nhiên theo giới quan sát, không loại trừ khả năng việc lạm phát tăng nóng sẽ khiến Fed phải đẩy nhanh tốc độ giảm nguồn cung tiền mặt ra thị trường và sớm tăng lãi suất cơ bản.

Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu áp lực lớn trong. Cổ phiếu Advanced Micro Devices giảm 6,1%, cổ phiếu Nvidia giảm 3,9% và cổ phiếu Alphabet giảm 2%.

Cả ba chỉ số chính trên phố Wall đều đóng cửa trong sắc đỏ. Song trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đang có diễn biến ngược lại.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Dow Jones giảm 240,04 điểm (-0,66%), xuống 36.079,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 38,54 điểm (-0,82%), xuống 4.646,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 263,84 điểm (-1,66%), xuống 15.622,71 điểm.

Chứng khoán châu Âu khởi sắc trong phiên ngày thứ Tư sau khi nhận được trợ lực mạnh mẽ từ báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty thuộc lĩnh vực truyền thông và năng lượng.

Dữ liệu cập nhật của Refinitiv cho thấy, lợi nhuận của các công ty thuộc STOXX 600 dự kiến ​​sẽ tăng 60,7% trong quý III/2021 so với cùng kỳ, đạt 104,4 tỷ euro (120,7 tỷ USD), cải thiện nhẹ so với ước tính 57,2% của tuần trước.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 66,11 điểm (+0,91%), lên 7.340,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 27,36 điểm (+0,17%), lên 16.067,83 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 1,89 điểm (+0,03%), lên 7.045,16 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, do chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã ảnh hưởng đến dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp trong năm nay.

Chứng khoán Trung Quốc giảm sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất của nước này tăng với tốc độ nhanh nhất trong 26 năm vào tháng trước.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu bất động sản khi các nhà đầu tư mua bắt đáy sau đợt lao dốc vừa qua và đặt cược vào các chính sách sẽ được nới lỏng trong lĩnh vực này.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi các công ty công nghệ lớn sụt giảm do ảnh hưởng của cổ phiếu Tesla.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 178,68 điểm (-0,61%), xuống 29.106,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,54 điểm (-0,41%), xuống 3.492,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 183,01 điểm (+0,74%), lên 24.996,14 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 32,29 điểm (-1,09%), xuống 2.930,17 điểm.

Giá vàng đêm qua ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp khi nỗi lo lạm phát leo thang quay lại. Đồng USD, lãi suất trái phiếu Mỹ và chứng khoán đồng loạt suy yếu thúc đẩy giá vàng.

Kết thúc phiên 10/11, giá vàng giao ngay tăng 17,90 USD (+0,98%), lên 1.849,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 17,50 USD (+0,96%), lên 1.848,30 USD/ounce.

Giá dầu quay đầu giảm hôm thứ Năm do đồng USD tăng vọt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông đang tìm cách giảm chi phí năng lượng trong bối cảnh lạm phát ngày càng gia tăng.

Mặt khác, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1 triệu thùng trong tuần gần đây nhất, thấp hơn so với ước tính tăng 2,1 triệu thùng.

Kết thúc phiên 10/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,81 USD (-3,3%), xuống 81,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,14 USD (-2,5%), xuống 82,64 USD/thùng.

Tin bài liên quan