Trên thực tế, mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy, khi TTCK là tổng hoà của nhiều yếu tố, nhưng lạm phát là một vấn đề đáng bàn và cần được phân tích kỹ.
CPI chung và của nhóm hàng lương thực - thực phẩm so với cùng kỳ năm trước (11/2009 - 2/2011)
Từ "lạm phát" ở Việt Nam thường được hiểu theo nghĩa xấu, nhưng điều này không hoàn toàn đúng, vì lạm phát nếu được kiểm soát sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế hơn là hiện tượng đối nghịch của nó, giảm phát. Đối với lạm phát, quan trọng là ở việc xây dựng kỳ vọng về lạm phát, chứ không phải là bản thân con số lạm phát được công bố trong quá khứ. Kỳ vọng về lạm phát có thể coi là niềm tin đối với định hướng lạm phát (inflation target) của NHNN và logic ở đây là nếu tỷ lệ lạm phát được dự kiến từ trước một cách tương đối hợp lý, thì NĐT, DN và người tiêu dùng sẽ có sự điều chỉnh hợp lý về hành vi của mình. Lạm phát của nước ta có những biến động mạnh qua các năm gần đây và rất khó để có thể xây dựng một kỳ vọng hợp lý khi độ "nhiễu" là rất cao, do định hướng chính sách còn thiếu nhất quán, thông tin chính sách còn hạn chế. Ảnh hưởng của lạm phát chủ yếu được thấy rõ ở các thành phố lớn. Còn ở nông thôn, cơ cấu tiêu dùng vẫn mang nặng tính tự cung tự cấp đối với nhóm hàng có quyền số cao nhất trong rổ tính lạm phát là lương thực, thực phẩm. Việt Nam là nước đảm bảo tốt an ninh lương thực, nên lạm phát lương thực không phải là mối lo quá lớn. Ngoài ra, dễ dàng quan sát được phản ứng thắt chặt ngay lập tức của người tiêu dùng truớc những biến động "tát nước theo mưa" trong việc tăng giá một số mặt hàng và dịch vụ.
CPI chung và của nhóm hàng lương thực - thực phẩm hàng tháng (11/2009 - 2/2011) Năm 2011, lạm phát ở mức bao nhiêu là hợp lý? Câu hỏi này nên được đặt trong mối quan hệ của lạm phát đối với nhiều biến số vĩ mô khác như tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp.
Thứ nhất, về tăng trưởng, dù đây không còn được coi là mục tiêu hàng đầu, nhưng về dài hạn có thể thấy Việt Nam vẫn là một nền kinh tế mới nổi (nói đúng hơn là thuộc thị trường biên, frontier market) và cần có tăng trưởng với tốc độ cao hơn mức trung bình của thế giới để có thể tránh bị tụt hậu. Nói cách khác, sự hấp dẫn của Việt Nam nằm ở tốc độ tăng trưởng, nhìn về dài hạn. Với định hướng đó thì không nhất thiết phải kéo CPI xuống mức thấp nhất có thể và hy sinh tăng trưởng, vì điều này sẽ làm triệt tiêu động cơ tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Hơn nữa, Việt Nam là nước nhập khẩu lạm phát và dự trữ ngoại hối ở mức chưa cao, trong khi bội chi ngân sách, thì việc đi ngược lại xu hướng chung có thể phải trả giá đắt. Ngày 3/3, NHNN ban hành Thông tư 02/TT-NHNN cho thấy, bên cạnh quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì việc tiếp tục không cho phép lãi suất tăng cao đưa ra thông điệp tích cực đối với tăng trưởng.
Thứ hai, về thất nghiệp, mặc dù niềm tin đối với đường Phillips (thể hiện quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát) và NAIRU (tỷ lệ thất nghiệp không làm gia tăng lạm phát) vẫn còn hiện hữu, nhưng với việc thiếu số liệu về tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam, có lẽ cần phải quay về với những phân tích mang tính định tính. Có một cách giải thích khá thú vị về đường Phillips khi cho rằng, nó thể hiện mối tương quan giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, có vẻ như người sử dụng lao động đang chiếm ưu thế, nên ngay cả khi có số liệu về tỷ lệ thất nghiệp thì cũng khó có thể đưa ra được một nhận xét có ý nghĩa trong mối quan hệ với lạm phát.
Đến đây có thể kết luận: Việc Chính phủ tạm thời vẫn giữ mục tiêu lạm phát là 7% cho năm 2011 tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ để bình ổn kinh tế vĩ mô. Ngay cả khi mục tiêu này không trở thành hiện thực, thì đây không phải là sự thất bại của chính sách khi mà lạm phát hiện là một hiện tượng toàn cầu và Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, với việc giảm dần sự can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động của DN, trong đó có việc để cho thị trường điều tiết giá một số mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, với việc NHNN cố gắng duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 14%/năm và khẳng định lãi suất thực dương nên ở mức 1% hoặc có thể cao hơn một chút để có thể huy động vốn cho nền kinh tế, chúng ta không nên quá bi quan khi vào cuối năm CPI có thể tăng ở mức 10 - 11%. Đây có lẽ là kỳ vọng hợp lý hơn cho lạm phát năm 2011 tại thời điểm hiện nay.