Điều này không chỉ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN, mà còn giúp tăng cường nguồn hàng hóa có chất lượng cho TTCK.
Cách nhìn trên được lãnh đạo một số DNNN chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015, do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 18/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Từ sự thành công của một ngân hàng lớn vừa niêm yết, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà chia sẻ, so với các ngân hàng đã niêm yết, BID là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng giá trong phiên chào sàn, khi tăng 0,5% và khối lượng giao dịch chiếm tới 12% tổng khối lượng giao dịch trên HOSE.
Sau 9 phiên giao dịch liên tiếp, kể từ khi niêm yết lần đầu trên TTCK, BID là một trong năm cổ phiếu dẫn dắt thị trường, khi thanh khoản luôn ở mức cao, thấp nhất đạt 1 triệu CP/phiên, cao nhất lên tới 8,4 triệu CP/phiên…
Dẫn ra những dữ liệu như vậy, người đứng đầu BIDV muốn chứng minh rằng, CPH gắn với niêm yết mang lại thành công mới, không chỉ cho DN, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN, cải thiện chất lượng hàng hóa cho TTCK, tạo sức lan tỏa trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Hơn thế, ông Hà còn đề nghị Chính phủ sớm có lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng niêm yết xuống còn 51 - 55%. Bởi thực hiện quyết sách này, sẽ tạo đột phá trong thu hút NĐT nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, cũng như TTCK.
Ở khía cạnh khác, Chủ tich HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo dẫn ra một loạt bất cập của quy định hiện hành, khi vẫn áp nhiều quy định điều chỉnh hoạt động của DN 100% vốn Nhà nước đối với các công ty cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối.
Petrolimex đã là công ty đại chúng, thực hiện chế độ báo cáo, giải trình với UBCK về nhiều hoạt động trong quá trình sản xuất - kinh doanh, nhưng vẫn chịu sự chi phối của nhiều quy định về kiểm tra, giám sát như khi Petrolimex chưa CPH.
Để giải quyết bất cập trên, ông Bảo đề nghị, cần xem xét ban hành cơ chế giao UBCK làm đầu mối quản lý Nhà nước đối với các DNNN đã cổ phần hóa, tránh chồng chéo như hiện tại. Mặt khác, cũng cần thúc đẩy quá trình CPH gắn với niêm yết trên TTCK để khắc phục những bất cập hiện hành.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, CPH gắn với niêm yết trên TTCK sẽ càng làm tăng tính minh bạch, hiệu quả tái cơ cấu DNNN, nên cần thúc đẩy hơn trong thời gian tới.
Sau Hội nghị trên, theo kế hoạch, từ quý II/2014, Chính phủ sẽ thực hiện một loạt giải pháp mang tính đột phá như: cho phép DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá, được chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá…, sẽ thúc đẩy quá trình CPH.
Điều này cùng với tại dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 sắp được ban hành, có yêu cầu các bộ, ngành tích cực triển khai các giải pháp tái cấu trúc TTCK, nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh CPH, được kỳ vọng sẽ “làm nóng” trở lại hoạt động CPH gắn với niêm yết.