(Tiếp theo bài VN-Index chỉ nên giữ như vẻ đẹp lịch sử)
Chuyện của Dow Jones
Không khó để hiểu vì sao nhà đầu tư Việt Nam quan tâm đến TTCK Mỹ. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự nóng lạnh của thị trường tài chính toàn cầu. Cùng với đó, TTCK Mỹ là thị trường lâu đời nhất thế giới và Dow Jones là chỉ số chứng khoán đầu tiên trên thế giới, vị thế của thị trường Mỹ, hình ảnh của chỉ số Dow Jones đã ngấm sâu vào nhận thức của nhà đầu tư toàn cầu, nên nhà đầu tư Việt Nam cũng không còn là ngoại lệ.
Tìm hiểu sâu hơn về Dow Jones sẽ thấy một điểm thú vị. Chỉ số này có công thức tính quá đơn giản, theo bình quân gia quyền giá của các cổ phiếu trong rổ được lựa chọn. Cách tính này đã tồn tại cả trăm năm, song hành cùng sự tồn tại của TTCK Mỹ, nhưng đến nay Dow Jones vẫn được tính như thế và vẫn là chỉ số đại diện đo lường cho TTCK lớn số 1 toàn cầu.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index ra đời năm 2000 và nhà quản lý đã chọn tính VN-Index theo phương pháp tính Passcher, tức là tính bình quân gia quyền theo giá với quyền số là số lượng chứng khoán niêm yết tại thời kỳ báo cáo. Như vậy, VN-Index được hình thành từ 2 biến số, thị giá cổ phiếu và lượng cổ phiếu niêm yết của từng thời kỳ.
Nhiều TTCK trên thế giới cũng chọn phương pháp tính Passcher để tính chỉ số giá chứng khoán. Chẳng hạn, chỉ số KOSPI (Hàn Quốc), S&P 500 (Mỹ), FTSE (Anh), CAC (Pháp)… đều chọn cách tính này. Tuy nhiên, bên cạnh chỉ số chính, họ có hàng trăm loại chỉ số khác, phục vụ cho công tác đầu tư, lập quỹ, phát triển sản phẩm mới mà các Sở GDCK hoặc các tổ chức tài chính trung gian uy tín đứng ra xây dựng.
Làm mới thước đo TTCK Việt Nam
Tại Việt Nam, VN-Index đang là chỉ số quan trọng nhất, thậm chí là duy nhất được sử dụng trong các đánh giá về thị trường từ cấp doanh nghiệp đến cấp ngành, cấp Chính phủ, hay trên trường quốc tế. Thực tế, vài năm gần đây, Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội đã nghiên cứu cải tiến cách tính chỉ số hiện hữu, đồng thời xây dựng những bộ chỉ số mới, nhưng mức độ “ngấm” đến thị trường còn rất thấp. Trên bảng điện của các CTCK chủ yếu chỉ có 5 chỉ số: VN-Index, VN30, HNX-Index, HNX30 và UPCoM-Index.
Tại Sở GDCK Hà Nội, bên cạnh 2 chỉ số chính, Sở đã phát triển bộ chỉ số ngành, chỉ số theo thu nhập.... Tại Sở GDCK TP. HCM đã có bộ chỉ số HOSE-Index. Hai Sở GDCK còn kết hợp xây dựng bộ chỉ số chung kết nối toàn TTCK Việt Nam, được đặt tên sớm theo tên gọi của Sở GDCK Việt Nam là VNX. Các chỉ số này cũng đã hình thành Hội đồng độc lập đánh giá và góp ý định kỳ, nhằm tăng tính giám sát, khách quan và hữu dụng theo thời gian.
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài chỉ số VN30 được sử dụng làm cơ sở xây dựng sản phẩm phái sinh đầu tiên, các bộ chỉ số mới hầu như chưa phát huy tác dụng và mức độ chuẩn hóa chưa cao.
Về mặt kỹ thuật, nếu như VN-Index mang giá trị lịch sử và không nên sửa trực tiếp cách tính chỉ số này thì với các chỉ số mới hiện nay, để chuẩn hóa cách tính là không đơn giản. Chẳng hạn, các chỉ số mới chọn rổ tính VNX đều phải sàng lọc qua 3 yếu tố: tư cách tham gia (bỏ những mã bị cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, niêm yết dưới 6 tháng); tỷ lệ Free Float (tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng phải lớn hơn 5%); tỷ lệ Turnover Ratio (thanh khoản phải lớn hơn 0,02%). Tiêu chí sàng lọc này là thấp so với nhiều TTCK quốc tế, nhưng cả 2 sàn có gần 740 mã niêm yết thì có tới 220 mã bị loại khỏi rổ tính VNX-Index.
Vậy làm mới thước đo TTCK Việt Nam, cách nào trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp trên sàn thì đông, nhưng chất lượng doanh nghiệp thì còn nhiều điểm yếu? Một số quỹ đầu tư góp ý với nhà quản lý là bên cạnh việc “bật sáng” các bộ chỉ số mới, cần xây một số chỉ số hữu dụng, chọn lựa rổ cổ phiếu tốt, bộ lọc tốt, đủ sức làm chỉ báo đầu tư hoặc phát triển sản phẩm mới.
Bộ chỉ số chứng khoán Việt Nam rất cần cải tiến khi dòng vốn đầu tư của quỹ ngoại đang có xu hướng tăng mạnh. “Một bộ chỉ số tốt sẽ phản ánh thị trường sát hơn, giúp cải thiện lòng tin, tính minh bạch và vì thế khi có biến động, các dòng vốn sẽ bớt dao động hơn”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng nói.