Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong Nghị định 15. Bên cạnh đó, năng lực nội tại nền kinh tế còn hạn chế nên rất khó tham gia vào các dự án BOT, BT. Vì vậy, việc tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Trương, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này còn chưa nhiều. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tham gia các dự án năng lượng BOT trong lĩnh vực điện, còn các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng như đường sá, bệnh viện..., vẫn còn vắng bóng.
Tại địa phương, các doanh nghiệp phần lớn tập trung vào những dự án BOT có tính chất đối đất lấy công trình, song cũng gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn cơ chế đấu thầu, thanh toán quỹ đất, thời điểm giao đất.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề đầu tư PPP và lựa chọn nhà đầu tư được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm. Phó thủ tưởng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo sửa các quy chế theo tinh thần phân cấp mạnh, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư hơn nữa.
Tuy nhiên, thực tế lại chưa như kỳ vọng. Ông Trương cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị định 15 và Nghị định 30, đa phần dự án PPP vẫn trong giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 khung pháp lý (trước đây là Nghị định 108/2009/NĐ-CP), những dự án thực hiện theo khung pháp lý mới cũng chỉ ở giai đoạn chuẩn bị, lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư...
“Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện các dự án vừa chặt chẽ, đúng luật, vừa đảm bảo nhanh chóng là rất khó”, ông Trương nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Trương, các dự án PPP còn đồng thời chịu tác động của nhiều luật như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đất đai..., nên việc sửa đổi 2 nghị định sao cho phù hợp cũng là vấn đề cần quan tâm.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định, ông Lương Tất Thắng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá cho rằng, các Nghị định 15 và 30 còn nhiều vấn đề cần sửa đổi, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư.
Theo ông Thắng, Dự thảo nên bớt tính hàn lâm, không rõ ràng trong nội hàm quy định để nhà đầu tư có thể nắm rõ, tránh hiểu nhầm, hiểu không đúng về các quy định.
“Cụm từ ‘kết cấu hạ tầng’ là một ví dụ. Theo tôi, chỉ cần đơn giản là công trình y tế, giáo dục sẽ rất dễ hiểu. Chứ nói là ‘công trình kết cấu hạ tầng’ khi trình dự án lên địa phương sẽ bị vặn vẹo, đề nghị xem xét lại", ông Thắng nhận xét.
Ông Thắng đề xuất, Nghị định 15 nên bổ sung quy định có thể kết hợp giữa hình thức BOT và BT để khắc phục tình trạng khó hoàn vốn khi thực hiện dự án BOT tại địa phương.
Ông Thắng lấy ví dụ, khi làm một con đường dài hơn 100 km sẽ rất khó thu phí toàn bộ, do đó Nhà nước nên cho phép thu phí một phần để hoàn vốn, phần còn lại có thể trả bằng đất.
Liên quan đến việc thực hiện các dự án PPP, đại diện một số địa phương phản ánh, nhà đầu tư quan ngại những vướng mắc mang tính xung đột pháp lý trong việc thực hiện dự án, cũng như sự thiếu ổn định của chính sách.
Lý do là bởi thông thường, một dự án PPP có thời gian triển khai rất dài, có thể lên tới 20-30 năm. Nếu chính sách thường xuyên điều chỉnh trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư rất e ngại bỏ vốn đầu tư vì tính rủi ro cao.
Ở góc độ khác, ông Đặng Văn Hải, Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước đề xuất, cần làm rõ hơn nguyên tắc thanh toán dự án PPP bằng quỹ đất về thời điểm thanh toán theo quy định tại Nghị định số 15.
“Theo quy định tại Nghị định 15, cần ký kết hợp đồng ngay tại thời điểm giao đất. Tuy nhiên, khi kiểm toán thực tế, việc thực hiện hợp đồng thường kéo dài, từ vài năm cho tới cả chục năm. Việc giá đất khi giao và hoàn thành khác nhau, nên nếu ký hợp đồng ngay sau khi giao đất sẽ gây thất thoát lượng tài sản rất lớn. Do đó, ngoài bổ sung hình thức thanh toán bằng tiền, cần bổ sung thời điểm thanh toán phải là thời điểm hoàn thành”, ông Hải đề xuất.