Phí môi giới có thể về 0%?
Thông tư 128/2018/TT-BTC quy định giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) sẽ chỉ có mức “trần” 0,5% giá trị giao dịch và không còn mức sàn 0,15% như trước đây.
Đánh giá về việc bỏ phí sàn, một số quan điểm cho rằng, TTCK Việt Nam đã trải qua giai đoạn sơ khai, các CTCK trưởng thành theo thị trường, chất lượng nhân sự cũng như tiềm lực tài chính được nâng cao hơn.
Trước đây, việc áp sàn phí môi giới ở mức 0,15% giá trị giao dịch là nhằm giảm thiểu tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các CTCK. Nhưng ngày nay, số lượng CTCK có quy mô vốn trên nghìn tỷ đồng không còn hiếm và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Theo đó, việc gỡ bỏ dần những quy định hành chính theo hướng thị trường là xu thế phù hợp.
Trên thực tế, nhiều CTCK vẫn có những chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng mới, khách hàng VIP…, với mức phí thực thấp hơn so với mức sàn. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng không áp dụng đồng đều, mà ưu tiên cho khách hàng có giá trị giao dịch lớn và không áp dụng toàn thời gian.
Quan sát từ thị trường cho thấy, các công ty trong Top 10 thị phần, đặc biệt là Top 5 đã tận dụng “hết nguồn”, nên họ khó có thêm động tác giảm phí mạnh để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, các CTCK mới (là CTCK 100 % vốn ngoại - PV) hoặc các CTCK tầm trung trở xuống nhiều khả năng sẽ giảm phí giao dịch, không ngoại trừ áp dụng mức phí 0% để hút khách trong giai đoạn đầu.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK KIS Việt Nam cho rằng, những CTCK nhỏ và tầm trung đang mất dần thị phần, hoặc có ý muốn mở rộng hơn nữa thị phần khách hàng cá nhân…, nhiều khả năng sẽ tiến hành giảm phí giao dịch để gia tăng lượng khách hàng cá nhân.
Chìa khóa mở “trái tim” khách hàng
Việc bỏ mức sàn, các biện pháp cạnh tranh sẽ trở nên “lộ thiên” hơn. Hiện tại, môi giới và lãi từ cho vay margin là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của nhiều CTCK và thông thường, khoản thu từ phí giao dịch nhỉnh hơn.
Trong đó, phí môi giới đa phần được dùng để chia sẻ hoa hồng cho môi giới, phần còn lại để xử lý chi phí vận hành. Nhiều CTCK chấp nhận mức phí thấp, nhưng vẫn có được nguồn thu lớn từ lãi cho vay margin và gần như đây là phần lợi nhuận ròng đóng góp vào tổng lợi nhuận của CTCK.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh gianh thị phần hiện tại, vũ khí cốt lõi để thu hút và giữ chân khách hàng không phải mức phí thấp, mà là cơ chế hỗ trợ thông tin, công nghệ, chất lượng dịch vụ của các CTCK. CTCK nào có hạ tầng công nghệ hiện đại, an toàn, đem lại nhiều dịch vụ tiện ích cho nhà đầu tư sẽ giữ chìa khóa mở cửa “trái tim” của khách hàng.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta cho rằng, cuộc chiến cạnh tranh hiện tại không còn là lãi suất margin và giảm mạnh phí giao dịch, mà chủ yếu nằm ở chất lượng tư vấn.
“Đây là kinh nghiệm rất rõ mà tôi đã trải qua. Theo đó, chất lượng tư vấn vẫn là yếu tố kiên quyết. Đồng thời, để giữ vững và tồn tại được trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt, CTCK nên có chính sách thích ứng với diễn biến thị trường, nhưng không đồng nghĩa với việc phải phá giá mạnh theo đối thủ cạnh tranh”, ông Minh nói.