“Làm mới” bảo hiểm nông nghiệp

“Làm mới” bảo hiểm nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Được xem là có nhiều tiềm năng nhưng lại chưa phát triển như kỳ vọng, nay bảo hiểm nông nghiệp đang được “làm mới” thông qua những cú bắt tay hợp tác với các đối tác ngoại theo hình thức khá mới mẻ.

Thêm sản phẩm mới

Mới đây, Bảo hiểm Bảo Minh - nhà bảo hiểm có nhiều năm triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong nước và Hillridge - công ty công nghệ bảo hiểm đến từ Úc - đã ký kết thỏa thuận hợp tác và cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm chỉ số bão. Đây là sản phẩm bảo hiểm trang bị công nghệ số hiện đại nhằm bảo vệ người nông dân trồng keo tại Việt Nam khỏi thiệt hại do bão tố.

Ông Dale Schilling - Tổng giám đốc Hillridge chia sẻ, tận dụng nền tảng công nghệ từ Hillridge, sản phẩm bảo hiểm chỉ số bão có quy trình mua hàng trực tuyến đơn giản. Việc thanh toán bồi thường minh bạch, công bằng dựa trên tính toán đã định sẵn giúp người nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp chỉ trong vòng 10 ngày làm việc là có thể nhận được bồi thường bảo hiểm thiệt hại và do Bảo Minh chi trả. Khoản bồi thường được tính toán dựa trên dữ liệu vệ tinh đo lường cấp bão và khoảng cách từ cơn bão đến tài sản được bảo hiểm.

“Nhờ quy trình này, người nông dân Việt Nam có thể nhanh chóng tái tạo lại đàn gia súc, gia cầm, trồng trọt lại mùa màng…, thay vì phải chờ đợi quy trình đánh giá và bồi thường mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi sinh kế sau bão”, ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó tổng giám đốc Bảo Minh nói và thông tin thêm, Bảo Minh nhận thấy nhiều cơ hội cho sản phẩm bảo hiểm chỉ số bão phục vụ người nông dân trong các lĩnh vực thuỷ - hải sản, nông - lâm nghiệp, nhất là ở các tỉnh miền Trung thường xuyên hứng chịu giông bão như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận...

Được biết, sau khi ra mắt, Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận, tỉnh Quảng Nam là khách hàng đầu tiên mua sản phẩm bảo hiểm chỉ số bão. Theo đó, các nông hộ thuộc hợp tác xã sẽ được bảo hiểm trước rủi ro thiên tai và tác động dài hạn từ biến đổi khí hậu. USAID sẽ hỗ trợ thực hiện gói bảo hiểm năm đầu tiên, kèm theo đó là hỗ trợ kỹ thuật cho hợp tác xã. Dự án thí điểm chương trình bảo hiểm này nhằm cung cấp một nền tảng có thể được điều chỉnh và áp dụng cho các bên liên quan, gồm cả các chủ rừng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng.

Về phía Hillridge, công ty công nghệ bảo hiểm này từng phát triển sản phẩm bảo hiểm chỉ số thời tiết ở Úc. Trước khi bắt tay với Bảo Minh ra mắt sản phẩm bảo hiểm chỉ số bão, Hillridge và MSIG Việt Nam - công ty bảo hiểm 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, đã hợp tác cùng nhau đưa ra sản phẩm bảo hiểm hạn hán tại Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó tổng giám đốc MSIG Việt Nam, nông nghiệp là một lĩnh vực then chốt để Công ty tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm của mình. Bảo hiểm hạn hán là sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đầu tiên mà MSIG ra mắt tại Việt Nam, bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm khác.

Làm gì để bao phủ bảo hiểm nông nghiệp?

Là quốc gia có bờ biển dài, mỗi năm, Việt Nam hứng chịu từ 4-6 cơn bão nhiệt đới quy mô lớn, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế đất nước cũng như tính mạng, tài sản của người dân. Đơn cử, cơn bão Damrey năm 2017 gây thiệt hại kinh tế lên đến hơn 22.000 tỷ đồng và khiến hàng chục người chết, mất tích... Tuy nhiên, đáng báo động là chưa đến 5% số người nông dân trên cả nước tham gia chương trình bảo hiểm thiên tai - theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Hiện còn khá sớm để đánh giá sự thành công của các mô hình bảo hiểm nông nghiệp kiểu mới như trên, nhưng dẫu sao đây cũng là tín hiệu tích cực cho một phân khúc được cho là có nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác thực sự hiệu quả như bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam.

Thực tế, dù đã bán bảo hiểm nông nghiệp từ sớm, nhưng các công ty bảo hiểm chưa thể chia sẻ hoàn toàn gánh nặng thời tiết xấu với người nông dân - một rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Các kế hoạch bảo hiểm truyền thống, bao gồm các rủi ro thời tiết, thường đánh giá quá cao rủi ro và điều này đã đẩy giá phí bảo hiểm tăng cao, trong khi quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường kéo dài, người nông dân bị thiệt hại mùa màng phải chờ đợi nhiều tháng để được bù đắp tổn thất.

“Tâm lý chung của người nông dân khi mua bảo hiểm là nếu có thiệt hại xảy ra thì phải được bồi thường nhanh chóng, đầy đủ. Tuy nhiên, nguyên tắc của ngành bảo hiểm là không bao trùm hết các rủi ro nên không phải trường hợp nào cũng được bồi thường. Chưa kể, việc xác định giá trị bồi thường dựa theo đánh giá thiệt hại mất nhiều thời gian cũng khiến bên mua e ngại”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phân tích.

Ở góc độ thị trường, do bảo hiểm nông nghiệp là nghiệp vụ có rủi ro cao, nguy cơ thua lỗ lớn, trong khi chi phí nhiều (chi phí quản lý, truyền thông, triển khai nghiệp vụ mới)…, nên doanh nghiệp không mặn mà triển khai và Bảo Minh nằm trong số ít cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vật nuôi, cây trồng, thủy sản và bảo hiểm cây lúa do thiên tai. Dù vậy, theo đại diện Bảo Minh, việc triển khai các loại hình bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa như kỳ vọng, tỷ lệ đóng góp của mảng này chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng doanh thu.

“Đây là một trong những lý do thúc đẩy Bảo Minh tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước cũng như nước ngoài để đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam, trong đó có sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025, mảng bảo hiểm nông nghiệp sẽ đóng góp 5% tổng doanh thu Công ty”, vị này nói.

Được biết, trên thị trường, Bảo hiểm Agribank cũng đã triển khai thí điểm bảo hiểm gia súc (trâu, bò thịt và trâu, bò giống) tại Đắk Lắk, Bến Tre... Người mua loại bảo hiểm này được hỗ trợ một phần phí bảo hiểm từ ngân sách của Chính phủ, được bồi thường trong trường hợp vật nuôi chết trực tiếp do các nguyên nhân như thảm họa tự nhiên (sét đánh, bão lũ, thời tiết lạnh, sương giá), dịch bệnh (lở mồm, long móng, tụ huyết trùng)...

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, để khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành... liên quan trong việc xây dựng chính sách, nghiên cứu điều chỉnh tăng khung hỗ trợ phí bảo hiểm và các đối tượng được hưởng chính sách này. Đồng thời, cần có thêm cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ.

Chia sẻ thêm xung quanh vấn đề này, ông Dale Schilling cho biết, trên thế giới, hầu hết các chương trình bảo hiểm nông nghiệp thành công, chẳng hạn bảo hiểm mùa màng ở Mỹ, đều có sự hỗ trợ liên tục của chính phủ, bao gồm cả trợ cấp phí bảo hiểm. Chính phủ Việt Nam cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và bước đầu áp dụng với một số sản phẩm cụ thể. Do đó, trong thời gian tới, kỳ vọng tất cả các hình thức bảo hiểm khí hậu cho nông nghiệp đều được hỗ trợ.

“Bảo hiểm nông nghiệp có tiềm năng tăng trưởng rất lớn bởi nông nghiệp là một trong những trụ cột kinh tế của Việt Nam”, ông Dale Schilling nhấn mạnh.

Tin bài liên quan