Đề nghị giữ quy định thông qua luật tại 2 kỳ họp
Tại phiên thảo luận hội trường chiều 13/2 về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu, Điều 40 của dự thảo Luật quy định trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội về cơ bản là trong một kỳ họp.
Đại biểu đề nghị cân nhắc thêm về nội dung này. Thực tế cho thấy, những năm qua nhiều dự án luật mặc dù đã có quá trình xây dựng, lấy ý kiến góp ý rất kỹ lưỡng nhưng khi trình Quốc hội cho ý kiến xem xét vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau, nhiều ý kiến phản biện có chất lượng được đưa ra và nhiều nội dung sau khi thảo luận tại Quốc hội, dự thảo mới được tiếp thu đã thay đổi rất nhiều, thậm chí có nhiều nội dung khác hẳn với quan điểm của cơ quan trình.
Bởi vậy, đại biểu Nga cho rằng việc xem xét kỹ lưỡng các dự thảo luật trong 2 kỳ họp như hiện nay, hoặc nhiều hơn thể hiện sự cẩn trọng, cần thiết trong công tác xây dựng luật, đặc biệt, khi mục tiêu của chúng ta là xây dựng các luật mang tính ổn định và khả năng dự báo cao.
"Nếu vội vàng quá chúng ta khó có thể làm kỹ lưỡng được và gây ảnh hưởng chất lượng của văn bản được thông qua", bà Nga nói.
Từ đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy trình xem xét thông qua các luật của Quốc hội là 2 kỳ họp như hiện nay; đồng thời lưu ý chúng ta đã có quy định và đang áp dụng việc xây dựng luật theo trình tự thủ tục rút gọn (tại 1 kỳ họp) để áp dụng trong trường hợp cần thiết rồi.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết, bà nhất trí với ý kiến của đại biểu Nga. Mặt khác, theo đại biểu, việc quy định chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, dự án luật, nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội (bớt đi 5 ngày so với luật hiện hành) là quá ngắn.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) |
Trong một số trường hợp nếu trình một lần nhiều dự án như tại kỳ họp này, đại biểu Quốc hội không thể đủ thời gian để nghiên cứu, cho ý kiến thấu đáo đối với các dự thảo luật.
"Dự thảo luật đã rút ngắn theo hướng thông qua tại 1 kỳ họp mà lại kèm theo quy định rút ngắn thời gian gửi tài liệu 5 ngày, tôi cho rằng khó có thể đáp ứng được tinh thần của Trung ương là hướng đến luật ngày càng có chất lượng và hiệu quả", bà Tâm nêu quan điểm.
Cũng đóng góp ý kiến cho nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc thông qua luật và nghị quyết theo quy trình một kỳ họp sẽ rất hạn chế quyền tham gia đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) |
Cho nên, việc thực hiện quy trình một kỳ họp cần phải tham vấn, tham khảo ý kiến để làm sao thiết kế cho đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu nhiều hơn. Thực tế hiện nay khi thông qua dự thảo luật là bấm nút thông qua, không có đại biểu nào phát biểu. Nếu bây giờ thực hiện quy trình thông qua tại một kỳ họp, cơ hội để đại biểu phát biểu chỉ có một lần trong hội trường, một lần ở tổ, đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, e rằng không đủ thời gian để đóng góp ý kiến.
"Tôi đề nghị nên thiết kế làm sao để nếu thông qua tại một kỳ họp thì cần có thêm thời gian để cho đại biểu phát biểu, đảm bảo đại biểu hài lòng khi bấm nút thông qua văn bản luật", ông Hoà nói.
Cần làm rõ tiêu chí nào thì luật được thông qua tại một kỳ họp
Cho rằng quy định rút ngắn thời gian thông qua luật như trên thể hiện một sự thay đổi rất lớn và bứt phá, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như yêu cầu cải cách luật pháp và hành chính; song đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng khi thời gian thông qua luật giảm từ 1 năm xuống 6 tháng sẽ đặt ra 4 thách thức cần phải giải quyết.
![]() |
Thứ nhất, chất lượng lập pháp có nguy cơ giảm do rút ngắn thời gian. Để giải quyết các thách thức này, theo đại biểu có 2 giải pháp: Một là, chúng ta phải xây dựng quy trình thẩm định nghiêm ngặt trước khi trình Quốc hội; hai là, tăng cường vai trò các Ủy ban của Quốc hội nói chung và Ủy ban Tư pháp cũng như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói riêng trong công tác thẩm tra nội dung dự thảo.
Thứ hai, thiếu thời gian phản biện và lấy ý kiến của xã hội. Đại biểu cho rằng cũng có 2 giải pháp: Một là bổ sung quy trình tham vấn từ sớm, ngay khi xây dựng các chính sách. Thứ hai là yêu cầu bắt buộc tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi, ít nhất là trong vòng 60 ngày.
Thứ ba là áp lực lớn lên các cơ quan lập pháp. Chúng ta phải đưa ra giải pháp: Một là cần tăng cường năng lực tài chính, nhân sự, nâng cao chất lượng nhân sự cho các cơ quan thẩm định và thẩm tra luật; hai là chúng ta phải có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dữ liệu của pháp luật để hỗ trợ cho việc này.
Thách thức cuối cùng là nguy cơ không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Để giải quyết, theo ông Khải, cần xây dựng cơ sở dữ liệu liên kết giữa các bộ luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Tiếp đó, Bộ Tư pháp phải chịu trách nhiệm về việc rà soát dự thảo thật kỹ trước khi trình Quốc hội.
Nêu giải pháp, đại biểu cho rằng cần quy định rõ trong dự thảo luật: quy định rõ tiêu chí nào thì được áp dụng quy định trình một kỳ họp. Ví dụ luật sửa đổi, bổ sung nhỏ, không thay đổi chính sách lớn hay luật mang tính cấp bách, có tính thời sự cao hay thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc luật thực hiện cam kết quốc tế có thời hạn cụ thể, chúng ta phải hoàn thành ngay.
Tiếp theo, cần tăng cường trách nhiệm các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, trong đó Bộ Tư pháp phải chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát, đánh giá tác động trước khi trình Quốc hội; ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác lập pháp (sử dụng dữ liệu lớn để phân tích, đối chiếu các dự án luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật).
Bên cạnh đó, phải tăng cường giám sát sau khi ban hành, có cơ chế điều chỉnh kịp thời nếu phát hiện ra sai sót trong quá trình thực thi.
Nếu chất lượng luật chưa đảm bảo, vẫn có thể để lại kỳ họp sau
Phát biểu tiếp thu giải trình sau phiên thảo luận, ông Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong dự thảo luật lần này đã thay đổi rất cơ bản. Theo quy trình hiện hành thì ngay từ khi lập chương trình và phân công soạn thảo, chúng ta đã xác định luật nào thì thông qua một kỳ họp, luật nào thì thông qua tại 2 kỳ họp.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh |
Dự thảo luật lần này xác định Chính phủ là cơ quan quyết định chính sách để làm cơ sở xây dựng dự thảo luật để trình Quốc hội, vai của Chính phủ bây giờ là chịu trách nhiệm đến cùng, do vậy Chính phủ thấy khi nào đủ điều kiện, đủ chất lượng thì trình ra Quốc hội.
"Trong trường hợp dự thảo luật đưa ra Quốc hội mà Quốc hội thấy không đủ điều kiện để thông qua thì vẫn có thể thông qua tại các kỳ tiếp theo như quy định của dự thảo luật, tức là về nguyên tắc thì có thể thông qua một kỳ nhưng không đủ chất lượng thì vẫn có thể thông qua ở kỳ tiếp theo", Bộ trưởng Tư pháp cho hay..