Làm giàu trên “cánh đồng dữ liệu”

0:00 / 0:00
0:00
Dữ liệu như một cánh đồng màu mỡ, doanh nghiệp sẽ gặt mùa vàng nếu biết gieo trồng, vun xới đúng chiến lược.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội biến dữ liệu thành vàng. Ảnh: Đức Thanh

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội biến dữ liệu thành vàng. Ảnh: Đức Thanh

“Cánh đồng vàng” dữ liệu

Gần 20 năm trước, Tập đoàn TH là doanh nghiệp đã tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Các nông trại tại Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang… cách Hà Nội hàng trăm km, nhưng bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Phó chủ tịch Hiệp hội Dữ liệu quốc gia vẫn có thể theo dõi được các dự án chăn nuôi của mình đang hoạt động thế nào.

TH là một trong những tập đoàn ứng dụng thành công các thành quả của cuộc cách mạng 4.0 về dữ liệu toàn cầu, công nghệ và kỹ thuật số để trồng trọt và quản lý đàn bò có năng suất cao, sản xuất với chi phí giá thành hợp lý dựa trên 3 nền tảng 4.0 là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Tất cả chuỗi tự động khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn của người dùng đều sử dụng dữ liệu để quản trị, giúp giảm chi phí và tăng chất lượng sản phẩm.

“Việc chia sẻ dữ liệu và kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp là con đường ngắn nhất để đưa công nghệ đi vào quy trình sản xuất - kinh doanh, giúp các doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”, bà Thái Hương chia sẻ.

Ở lĩnh vực bất động sản, ROX Group là một trong những doanh nghiệp đi đầu sử dụng dữ liệu như một vũ khí cạnh tranh. Tại đây, dữ liệu được chuẩn hóa ngay từ đầu bởi một đội ngũ chuyên trách kiểm tra, kiểm soát. Các dữ liệu được phân tích giúp các đơn vị, lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra quyết định.

Ông Bùi Quốc Khánh, Tổng giám đốc TNTech cho biết, dữ liệu giống như mỏ dầu, nếu không khai thác, thì vĩnh viễn nằm dưới lòng đất. Dữ liệu trong doanh nghiệp khi được sắp xếp, phân tích, sẽ là công cụ đắc lực cho quá trình vận hành và quản trị doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2027, dữ liệu và AI sẽ chiếm hơn 50% giá trị tạo ra trong nền kinh tế số toàn cầu. Tại Việt Nam, việc số hóa các lĩnh vực như y tế, tài chính, giáo dục, giao thông... đã kéo theo nhu cầu rất lớn về chuẩn hóa, kết nối và bảo vệ dữ liệu.

Kết quả các khảo sát gần đây cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng dữ liệu lớn có thể tăng doanh thu 5-10%, đặc biệt trong các ngành bán lẻ, viễn thông và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa quy trình nhờ dữ liệu lớn có thể giảm chi phí vận hành từ 5-15%, tùy thuộc vào mức độ triển khai.

Ông Huy Nguyễn, Nhà sáng lập Phygital Labs đánh giá, trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam đứng trước một bước ngoặt quan trọng của quá trình chuyển đổi số. Sau những năm nỗ lực xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ và số hóa dữ liệu, Việt Nam đã bước đầu thu thập được lượng thông tin khổng lồ về công dân, hành chính công, y tế, giáo dục…

Khi dữ liệu được xác thực, lọc nhiễu, các doanh nghiệp, cơ quan của Chính phủ có thể triển khai mô hình AI, phân tích Big Data giúp dự đoán xu hướng, tối ưu vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, khi kho dữ liệu số khổng lồ được bảo chứng về độ chính xác, sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính, giáo dục số, y tế số…

“Nếu giải quyết tốt bài toán xác thực, bảo đảm chất lượng dữ liệu, chúng ta sẽ chuyển hóa kho thông tin khổng lồ thành vàng, là nguồn lực thiết thực để bứt phá, thúc đẩy kinh tế số tăng trưởng nhanh và bền vững”, ông Huy Nguyễn nhận định.

Biến dữ liệu thành vàng

Theo các thống kê, cứ mỗi 12 giờ, lượng dữ liệu toàn cầu lại tăng gấp đôi. Doanh thu thị trường dữ liệu lớn toàn cầu dự kiến đạt 308 tỷ USD trong năm 2023 và hơn 655 tỷ USD vào năm 2029. Nền kinh tế dữ liệu không chỉ tái định nghĩa các ngành công nghiệp truyền thống, mà còn tạo ra thị trường và cơ hội mới.

Nền kinh tế dữ liệu Việt Nam đang đứng trước cơ hội biến dữ liệu thành vàng. Luật Dữ liệu có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã tạo ra một khung khổ pháp lý, tạo nền tảng cho nền kinh tế số; bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền lợi người tiêu dùng, mở ra cơ hội lớn cho nhiều ngành nghề như ngân hàng, viễn thông, bán lẻ, y tế, giáo dục… Tuy nhiên, để biến cánh đồng dữ liệu mênh mông thành những “mùa vàng” gặt hái, cần thêm nhiều giải pháp.

Theo ông Huy Nguyễn, Việt Nam cần tăng cường xác thực dữ liệu, ứng dụng blockchain, AI để quản lý vòng đời dữ liệu; phát triển khung pháp lý về dữ liệu, ban hành chính sách chi tiết về quyền sở hữu, chia sẻ dữ liệu liên ngành, đi kèm biện pháp chế tài nghiêm khắc với các hành vi xâm phạm. Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phối hợp để tạo môi trường thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình khai thác dữ liệu mới, tạo bệ phóng cho start-up công nghệ.

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển kinh tế dữ liệu, với nhận thức ngày càng cao về tầm quan trọng của dữ liệu. Từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan chính quyền đến các tổ chức và doanh nghiệp, dữ liệu đang được coi như một tài nguyên chiến lược. Lãnh đạo và quản lý đều muốn khai thác và hiểu dữ liệu để nâng cao hiệu suất quản trị, tối ưu quy trình, ra quyết định và điều hành dựa trên dữ liệu. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng dữ liệu để cải thiện trải nghiệm khách hàng, tự động hóa tiếp thị, tối ưu hóa tồn kho và chi phí.

Luật sư Trương Anh Tú, Giám đốcTAT Law Firm đánh giá, việc tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín và lòng tin từ khách hàng. Cùng với đó, các yêu cầu mới khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và quản lý dữ liệu hiện đại, góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thực hiện kiểm toán dữ liệu để xác định các lỗ hổng và điểm chưa phù hợp với quy định mới. Doanh nghiệp cũng cần triển khai các giải pháp bảo mật như mã hóa dữ liệu, hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập. Đồng thời, xây dựng và triển khai chính sách bảo vệ dữ liệu rõ ràng, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu pháp lý.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam lưu ý, dữ liệu là mỏ vàng, là nền tảng để khai thác. “Chúng ta cần khách hàng, cần dữ liệu, đặc biệt với những đơn vị thương mại hoặc kinh doanh mới để bán được hàng tốt nhất và nhanh nhất. Và khi có dữ liệu thì phải cố gắng thực hiện đúng quy định, phát triển lên để kinh doanh dữ liệu, lên sàn”, ông Thắng nói.

Tin bài liên quan