Làm giả hồ sơ để vay vốn HDBank, một giám đốc nhận 20 năm tù

Làm giả hồ sơ để vay vốn HDBank, một giám đốc nhận 20 năm tù

(ĐTCK) Vụ án là tiếng chuông cảnh tỉnh cho nhiều DN đang “vẽ hồ sơ” để vay vốn ngân hàng.

Lập hồ sơ giả để vay vốn ngân hàng phục vụ mục đích kinh doanh rồi không trả được nợ, Nguyễn Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Thư (Hà Nội) đang phải đối mặt với bản án 20 năm tù giam.

Làm giả hồ sơ để vay vốn HDBank, một giám đốc nhận 20 năm tù ảnh 1

Ngày 23/1, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Hoàng Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Thư với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, khoảng tháng 6/2009, Thư đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tìm hiểu thủ tục bảo lãnh vay vốn. Theo quy định của Ngân hàng, để được bảo lãnh vay vốn, DN phải có phương án kinh doanh hiệu quả. Thư đã lập hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh mua bán đồ dùng nội thất sắt mỹ thuật. Trong hồ sơ vay vốn, Thư đưa ra hợp đồng đầu vào mua 4.800 sản phẩm đồ dùng nội thất sắt mỹ thuật, trị giá 8,8 tỷ đồng với CTCP Đầu tư thương mại Khánh Dương. Hợp đồng đầu ra cho toàn bộ số hàng nói trên trị giá 12 tỷ đồng được ký với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển nhà Hồ Gươm. Với hồ sơ trên, Công ty Tùng Thư đã được VDB chấp nhận bảo lãnh vay vốn 4,8 tỷ đồng. Có bảo lãnh của VDB, Thư đã vay thành công 4,8 tỷ đồng của HDBank, khoản vay có kỳ hạn 5 tháng.

Đến hạn trả nợ, Công ty Tùng Thư không trả được nợ cho HDBank. Đòi mãi không được, HDBank đã yêu cầu VDB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Đến tháng 5/2011, TAND Tối cao đã có bản án phúc thẩm buộc Công ty Tùng Thư phải thanh toán số tiền 5,4 tỷ đồng, bao gồm cả gốc lẫn lãi của khoản vay được bảo lãnh, trường hợp Công ty Tùng Thư không trả được thì VDB phải trả nợ thay theo nghĩa vụ bảo lãnh. Thực hiện bản án này, VDB đã trả nợ gốc và lãi của Công ty Tùng Thư cho HDBank.

Kết quả điều tra cho thấy, Hoàng Anh Thư đã làm giả phương án kinh doanh, toàn bộ biên bản bàn giao hàng hóa, phiếu nhập kho. Thư đã nhờ Giám đốc Công ty Khánh Dương ký hợp đồng đầu vào với lý do là để được khấu trừ thuế GTGT khi bán hàng thu mua nhỏ lẻ không có hóa đơn chứng từ. Với hợp đồng đầu ra, khi bị phía HDBank kiểm tra và phát hiện hợp đồng bán hàng giả với Công ty Hồ Gươm, Thư tiếp tục làm giả hợp đồng với Công ty Bầu trời xanh.

Cáo trạng kết luận, Hoàng Anh Thư, Giám đốc Công ty Tùng Thư có hành vi gian dối lập phương án kinh doanh giả, ký hợp đồng mua bán không có thật, tạo lập các chứng từ giả để hợp thức thủ tục vay vốn của ngân hàng nhằm chiếm đoạt số tiền này. Đại diện Viện KSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố đã đề nghị tuyên phạt Hoàng Anh Thư mức tù chung thân.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Thư đã thừa nhận hành vi gian dối, làm giả các hồ sơ giấy tờ để vay vốn nhưng khẳng định, không có ý đồ chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Số tiền vay được bị cáo khai đã sử dụng để đầu tư vào Dự án Nhà máy sắt mỹ thuật ở tỉnh Hưng Yên, lỗi của bị cáo là đã sử dụng vốn vay sai mục đích, song không chiếm đoạt để tư túi, sử dụng cho cá nhân. Cụ thể, trong số 4,8 tỷ đồng vay được, Thư đầu tư vào dự án 2 tỷ đồng, 2,8 tỷ đồng còn lại được Thư trả cho 3 cá nhân đã cho Thư vay để đầu tư vào dự án nói trên. Thư cung cấp tên, địa chỉ và đề nghị cơ quan điều tra làm rõ. Công ty Tùng Thư có hoạt động kinh doanh thật, được thành lập từ năm 1996, có sản phẩm xuất khẩu đi 4 thị trường chính là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và châu Âu.

Đại diện VDB tại Tòa khẳng định cơ quan này cho pháp nhân là Công ty Tùng Thư vay vốn mà không phải cho cá nhân bà Thư vay vốn do đó, VDB yêu cầu Công ty Tùng Thư phải trả nợ gốc và lãi. Khi nhận bảo lãnh, VDB đã nhận tài sản bảo đảm là dự án Nhà máy ở Hưng Yên và sẽ xử lý tài sản bảo đảm này để thu hồi nợ.

Trong phần tranh luận, Luật sư Nguyễn Văn Bình cho rằng, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP.  Hà Nội mới chỉ làm rõ hành vi gian dối mà không làm rõ được hành vi chiếm đoạt của bị cáo, không xác định rõ bị hại trong vụ án, nên chưa đủ đảm bảo yếu tố khách thể trong 4 yếu tố cấu thành vụ án. Các thành viên Ban lãnh đạo Công ty Tùng Thư cũng cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ đến cùng và đảm bảo sử dụng tài sản là Dự án Nhà máy sắt để trả nợ. Nhà máy này có giá trị lớn hơn nhiều so với khoản nợ VDB, do đó, không có căn cứ để truy tố Thư về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, theo luật sư, vụ án có sai sót về thủ tục tố tụng ở chỗ cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội mà bị cáo được nhận không nêu rõ bị hại là ai, nhưng đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa lại khẳng định Thư chiếm đoạt tài sản của VDB. Trong khi đó, VDB được triệu tập tới phiên toà với tư cách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, VDB không có đơn tố cáo nào đối với Thư cũng như khẳng định đòi nợ Công ty Tùng Thư, chứ không phải Thư.

Với những tranh luận gay gắt và kéo dài, phiên tòa đã được kéo dài sang ngày hôm sau. Phiên tòa sơ thẩm khép lại với mức án 20 năm tù giam dành cho bị cáo Thư. Đây là bài học không chỉ với Thư mà là tiếng chuông cảnh tỉnh với nhiều DN đang liều lĩnh “vẽ” hồ sơ kinh doanh giả để vay vốn ngân hàng.          

 

Trong vụ án này, chưa rõ ai là người bị hại

Luật sư Nguyễn Văn Bình

Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội mới chỉ làm rõ hành vi gian dối mà không làm rõ được hành vi chiếm đoạt của bị cáo, như bị cáo đã khai số tiền 4,8 tỷ đồng được đầu tư vào Dự án Nhà máy sắt. Dự án đó là có thật, đã được đầu tư 22,8 tỷ đồng, chưa kể giá trị mua lại đất và dự án là 3,5 tỷ đồng. Bị cáo chỉ có hành vi gian dối về hồ sơ, mà không có điều luật nào của Bộ luật Hình sự xử phạt hành vi gian dối.

Bên cạnh đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội không rõ bị hại trong vụ án là ai, HDBank đã nhận được 5,4 tỷ đồng cả gốc và lãi, VDB khẳng định họ cho pháp nhân Công ty Tùng Thư vay và pháp nhân này có nghĩa vụ trả nợ, chứ không phải cá nhân Hoàng Anh Thư. Một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không có bị hại thì không đủ yếu tố cấu thành vụ án.