Làm giả hồ sơ chào bán cổ phiếu có thể đi tù 7 năm

(ĐTCK) Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với việc Bộ luật Hình sự sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, sắp có thêm chế tài hình sự mới để xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK theo hướng tăng tính răn đe.
Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định mức phạt tiền 
cao nhất là 10 tỷ đồng với pháp nhân phạm tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán

Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định mức phạt tiền cao nhất là 10 tỷ đồng với pháp nhân phạm tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán

Theo nhìn nhận của giới đầu tư, vi phạm trên TTCK ngày càng mang tính chất tinh vi hơn. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho cả cơ quan quản lý thị trường lẫn cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, qua đó, hỗ trợ thị trường phát triển công bằng, lành mạnh, gia tăng niềm tin trong giới đầu tư.

Thực tiễn đó, theo lãnh đạo Vụ Thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đòi hỏi ngoài việc nâng cao ý thức tuân thủ của các thành viên trên thị trường, thì cần thiết phải bổ sung các chế tài xử lý mạnh tay với các hành vi vi phạm. Yêu cầu này phần nhiều đã được đáp ứng khi tại Bộ luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội thông qua mới đây có nhiều quy định mới liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo đó, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung một tội danh mới trong lĩnh vực chứng khoán là “tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán”, với chế tài xử lý mạnh tay.

Cụ thể, người làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng thì bị phạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Các trường hợp phạm tội: thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên, có tổ chức, tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt từ 2 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.

Ngoài ra, tùy tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội còn có thể bị phạt từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.

Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng có một số điều chỉnh theo hướng tăng hình phạt tiền đối với 3 tội danh hiện hành trong lĩnh vực chứng khoán, gồm: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng TTCK. Trong đó, mức phạt tiền cao nhất được quy định lên tới 10 tỷ đồng, áp dụng đối với pháp nhân phạm tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, thao túng TTCK có tính chất nghiêm trọng...

Đặc biệt, đối với tội thao túng TTCK, một trong những hành vi đang có biểu hiện diễn biến phức tạp, tinh vi, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung quy định giúp lượng hóa tính chất, mức độ phạm tội là thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, thay cho yếu tố mang tính định tính trước đây là “gây hậu quả nghiêm trọng”...

Nội dung thay đổi quan trọng này được kỳ vọng sẽ giúp phân biệt rõ ràng ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm hình sự. Qua đó, giúp cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong xử lý vi phạm sao cho đúng người, đúng tội, gia tăng tính răn đe.

Không chỉ các cá nhân vi phạm đối mặt với chế tài hình sự mới, một quy định khác lần đầu tiên được bổ sung vào Bộ luật Hình sự sửa đổi là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Riêng với lĩnh vực chứng khoán, pháp nhân phạm 1 trong 3 tội danh: cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, thao túng TTCK, sẽ bị xử lý hình sự.

Cùng với những quy định trên của Bộ luật Hình sự sửa đổi, đại diện UBCK cho biết, cơ quan này đang xúc tiến sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Với bước chuyển động chính sách này, giới đầu tư kỳ vọng, các chế tài mới cả về hình sự lẫn hành chính đưa vào áp dụng tới đây sẽ đấu tranh có hiệu quả hơn với các vi phạm trên TTCK, qua đó, hỗ trợ thị trường phát triển công bằng, lành mạnh.     

Tin bài liên quan