Làm gì và làm thế nào để người Việt Nam sáng tạo hơn?

Làm gì và làm thế nào để người Việt Nam sáng tạo hơn?

(ĐTCK) Đến một lúc nào đó, toàn bộ người Việt Nam biết sử dụng thành thạo phương pháp luận sáng tạo và đổi mới, chúng ta sẽ có một quốc gia sáng tạo.

LTS: Sáng tạo là hoạt động tạo ra bất kỳ cái gì đồng thời có tính mới và tính lợi ích. Niềm vui sáng tạo là niềm vui lớn nhất trong tất cả các niềm vui mà con người có thể có. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, các quy luật sáng tạo phải tìm chính là các quy luật phát triển và vì thế, phương pháp luận sáng tạo đã trở thành môn học phổ cập tại nhiều quốc gia. Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu bài viết này, dựa trên các thông tin và tài liệu do PGS.TSKH Phan Dũng chia sẻ.

Làm gì và làm thế nào để người Việt Nam sáng tạo hơn? ảnh 1

 PGS.TSKH. Phan Dũng

Tư duy sáng tạo

Tư duy (hay còn gọi là suy nghĩ) là một loại hoạt động của bộ não con người khởi động và làm việc khi con người có vấn đề và có nhu cầu phải giải quyết vấn đề đó. Kết quả của quá trình tư duy là ý tưởng giải quyết vấn đề. Nếu vấn đề được giải quyết tốt, quyết định đưa ra là đúng thì quá trình suy nghĩ vấn đề và ra quyết định giải quyết vấn đề đó chính là tư duy sáng tạo.

Niềm vui sáng tạo là niềm vui lớn nhất trong tất cả các niềm vui mà con người có thể có. Một cuốn sách viết về sáng tạo đã khuyên người đọc rằng, muốn thực hiện ước mơ, trước hết phải có tri thức, kỹ năng lao động, tinh thần dám nghĩ, dám làm, khả năng không nản chí trước thất bại tất yếu bày ra trước mắt. Nếu bạn trau dồi được các đức tính đó, bạn sẽ có niềm vui sướng trước những thành công trong sáng tạo và hạnh phúc khi cảm nhận giá trị của chính mình.

Cần mở rộng không gian sáng tạo bằng việc học tập tư duy sáng tạo, phát triển chính mình dựa trên năng lực tự nhiên và những kinh nghiệm quý báu của nhiều thế hệ sáng tạo đi trước.

Nghiên cứu sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, các nhà khoa học đã đưa ra một kết luận, nguyên nhân duy nhất còn lại để một cá nhân, công ty, quốc gia thành công về mặt kinh tế ở thế kỷ 21 là có nguồn nhân lực tốt hơn những người xung quanh, nguồn nhân lực tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn những người xung quanh bằng sáng tạo và đổi mới.

Nhận xét này cũng logic với thực tế hiện nay, nếu bạn khởi sự doanh nghiệp với số vốn nhỏ bé, nhưng bạn có khả năng phát hiện vấn đề và tìm được lời giải, bạn có thể lập dự án và nhận tài trợ từ ngân hàng, các quỹ mạo hiểm để đầu tư các vấn đề vật chất (nhà máy, công nghệ, vật liệu...) đưa ý tưởng của bạn thành giá trị cho bạn và cho xã hội.

Rõ ràng, nếu bạn và nguồn nhân lực của bạn sáng tạo và đổi mới tốt hơn những người xung quanh mới hy vọng thành công trên thương trường ở thế kỷ 21. Bản thân các thương hiệu lớn toàn cầu như Honda, Microsoft, Sony... cũng đã khởi sự từ những ý tưởng sáng tạo, để sau vài chục năm, họ trở thành những doanh nghiệp lớn trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tuy duy là đối tượng phức tạp, khó nghiên cứu và đến nay, các kết quả nghiên cứu thu được ít hơn nhiều lần so với các lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Đến nỗi, có nhà nghiên cứu đã nhận xét: vùng không gian mà loài người biết ít nhất là khoảng cách giữa hai lỗ tai (ý nói bộ óc con người).

Thời đại sáng tạo

Sáng tạo yêu cầu phải có tính mới, tức là sáng tạo phải tạo ra sự thay đổi, tạo ra những cái khác với những cái gì đã có. Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng là sáng tạo, vì sáng tạo đòi hỏi sự thay đổi phải đồng thời đem lại lợi ích. Tương tự như vậy, sáng tạo tạo ra sự đa dạng, nhưng không phải sự đa dạng nào cũng là sáng tạo, nếu như sự đa dạng đó không tạo ra lợi ích gì.

Làm gì và làm thế nào để người Việt Nam sáng tạo hơn? ảnh 2
Nghiên cứu của GS. Altshuller chỉ ra rằng, đi tìm các quy luật sáng tạo chính là đi tìm các quy luật phát triển. Theo đó, về nguyên tắc, các nhà sáng tạo phải nghiên cứu thông tin phản ánh sự phát triển, kể cả sự phát triển không có sự tham gia của con người, nhằm tìm ra các quy luật phát triển khách quan chung, làm cơ sở xây dựng phương pháp luận sáng tạo và đổi mới.
Những sáng tạo một mặt mang tính chủ quan (được tạo ra bởi một con người cụ thể). Mặt khác, những sáng tạo của con người được tự nhiên, xã hội tiếp nhận một cách đầy đủ, bền vững mới là những sáng tạo tạo ra sự phát triển thực sự. Tuy sự phát triển loại này do con người tạo ra, nhưng vẫn phải tuân theo các quy luật khách quan chung, bao trùm các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy, không phụ thuộc vào con người cụ thể.
GS. Altshuller cho rằng, nhà nghiên cứu sáng tạo học là người đi tìm những quy luật phát triển khách quan, coi đó như những con đường, còn người muốn sáng tạo tốt là người phải nắm được các quy luật đó và biết điều khiển các tư duy, hành động theo chúng, như người lái xe tìm thấy con đường và băng băng đi đúng hướng.Đây là công việc không dễ dàng, nhưng không phải là không thể khi kho tri thức này đã được nhiều nước trên thế giới xây dựng, tích lũy từ nhiều năm và hiện nay, phương pháp luận sáng tạo và đổi mới là môn học được áp dụng ở hơn 50 nước trên thế giới.

Người Việt Nam cần mở không gian sáng tạo bằng việc học tập tư duy sáng tạo, phát triển chính mình dựa trên năng lực tự thân và những kinh nghiệm quý báu của nhiều thế hệ sáng tạo đi trước.

Trên bình diện quốc gia, các nguồn lực cạnh tranh như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ… dần sẽ cạn kiệt và mất ưu thế. Cuối cùng, mọi cái quy về nguồn lực cạnh tranh duy nhất là tư duy sáng tạo - một nguồn tài nguyên càng khai thác nó, càng có nhiều hơn.

Tư duy sáng tạo là nguồn tài nguyên càng khai thác càng có nhiều hơn 

Những người có tư duy xuất sắc ở bất kỳ lĩnh vực nào như khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế… đều được xã hội đánh giá cao và được tôn vinh với nhiều hình thức. Những người bình thường, ai cũng muốn được những người khác đánh giá là mình tư duy tốt và coi chuyện bị đánh giá tư duy không tốt như một cái gì đó thấp kém, không thể chấp nhận được.

Xã hội loài người đã trải qua 4 nền văn minh và nền văn minh hiện hữu được gọi tên là nền văn minh sáng tạo, hay thời đại sáng tạo. Tư duy đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nếu như không muốn nói là quyết định đối với quá trình tiến hóa và phát triển của xã hội loài người.

Làm gì và làm thế nào để người Việt Nam sáng tạo hơn?

Cuộc đời của mỗi cá nhân (không loại trừ ai, không phân biệt vị trí xã hội) đều là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra. Các vấn đề nhiều và đa dạng. Đấy có thể là các vấn đề thiết yếu như ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, việc làm, thu nhập, sức khỏe, hôn nhân, gia đình, nuôi dạy con cái, đến các vấn đề lớn như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đối phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn hòa bình thế giới.

Nếu cá nhân là người bình thường, suy nghĩ và hành động giải quyết các vấn đề cá nhân tốt, ra các quyết định đúng, thì cá nhân tạo ra sự phát triển cá nhân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nếu cá nhân là người lãnh đạo đất nước, suy nghĩ và hành động giải quyết các vấn đề của đất nước tốt, ra các quyết định đúng, người lãnh đạo đó tạo ra sự phát triển của đất nước.

Một nước mạnh là một nước có những con người (gồm cả lãnh đạo đất nước và nhân dân) biết tư duy sáng tạo (suy nghĩ và hành động giải quyết tốt các vấn đề và ra các quyết định đúng), tạo nên sự phát triển từ mức vi mô đến mức vĩ mô của xã hội.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, các nước phát triển đã chuyển từ thời đại thông tin (Information Age) những năm 1980 sang thời đại sáng tạo và đổi mới (Creativity and Innovation Age), bắt đầu từ những năm 1990 với sự tham gia đông đảo của mọi người trong toàn xã hội.

Bốn nền văn minh của xã hội loài người và những yêu cầu tương ứng với các bộ phận trên cơ thể người  

Việt Nam cũng đã đề ra mục tiêu: “Phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân” trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tháng 10/2013.

Trước đây, để phát huy tư duy sáng tạo của cá nhân, người ta thường dùng các lời kêu gọi, tạo môi trường thuận lợi cho công việc sáng tạo như không khí tự do, các điều kiện làm việc tốt, các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ, khuyến khích, khen thưởng…

Nhiều năm gần đây, thế giới đã xuất hiện một đột phá lớn, tác động mạnh đến việc phát huy tư duy sáng tạo của mỗi cá nhân, nhưng tại Việt Nam còn được rất ít người biết đến.

Đấy là lĩnh vực tư duy sáng tạo được khoa học hóa (tên cổ điển của khoa học sáng tạo là Heuristics; hiện đại là Creatology), với việc tìm ra hệ thống các phương pháp có thể dạy và học được như các môn học truyền thống Toán, Lý, Hóa… giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và về lâu dài, điều khiển được tư duy sáng tạo (điều khiển quá trình suy nghĩ và hành động giải quyết tốt các vấn đề và ra các quyết định đúng) của mỗi người. Hệ thống các phương pháp này gọi là phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (Creativity and Innovation Methodologies).

Việc khoa học hóa lĩnh vực tư duy sáng tạo và tư duy sáng tạo dạy và học được là một cuộc cách mạng lớn. Nhờ đó, tất cả mọi người được trang bị các phương pháp sáng tạo đều có thể sáng tạo với năng suất và hiệu quả cao. Mỗi người trở nên mạnh và cả đất nước sẽ mạnh. Tư duy sáng tạo không còn là phẩm chất, năng lực của riêng một số ít người.

Trở lại chủ đề làm gì và làm thế nào để người Việt Nam sáng tạo hơn? Việc đầu tiên, cần đưa môn học Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới vào các nhà trường, dạy từ mẫu giáo đến hai năm đầu của đại học, mỗi năm vài chục tiết, với những giáo trình được biên soạn thích hợp. Đến một lúc nào đó, toàn bộ người Việt Nam biết sử dụng thành thạo phương pháp luận sáng tạo và đổi mới, chúng ta sẽ có một quốc gia sáng tạo.

Đầu tư cho phương pháp luận sáng tạo và đổi mới chỉ tương đương với đầu tư cho môn Ngữ văn - tiếng Việt trong trường học. Người đi học chỉ cần mang “máy tính có sẵn” (bộ não) đến lớp. Dạy và học phương pháp luận sáng tạo và đổi mới là nạp phần mềm tiên tiến nhất hiện nay về tư duy sáng tạo vào bộ não của người học.

Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới còn góp phần giáo dục và đào tạo các nhân cách sáng tạo cho đất nước. Nhân cách sáng tạo là nhân cách lý tưởng có thành tích sáng tạo, thể hiện ở việc giải quyết một hoặc nhiều vấn đề mang tính xã hội.

Nếu phương pháp luận sáng tạo và đổi mới giúp nâng cao năng suất và hiệu quả, về lâu dài, điều khiển quá trình suy nghĩ, hành động giải quyết vấn đề và ra quyết định, thì không chỉ giúp mỗi người và đất nước mạnh, mà còn giúp cho mỗi người và dân tộc trở nên hạnh phúc hơn.

(*) Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới hiện được sử dụng ở 50 nước gồm G7, G20, các nước công nghiệp mới, các nước có nền kinh tế mới nổi… Phương pháp này được đưa vào dạy trong hơn 140 trường đại học của khoảng 40 nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, phương pháp luận sáng tạo và đổi mới được tổ chức giảng dạy tại Trung tâm Sáng tạo Khoa học - kỹ thuật, thuộc Trường Đại học khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, do PGS.TS Phan Dũng chủ trì. PGS.TS Phan Dũng là người Việt Nam tốt nghiệp khóa đầu tiên của Học viện Sáng tạo Sáng chế (Public Institute of Inventive Creativity) ở thành phố Baku, Liên Xô năm 1973.

Tin bài liên quan