Thưa ông, ông đánh giá thế nào về cách hành xử của một số ngân hàng trước vụ việc khách hàng gửi tiền bị nhân viên cấu kết làm giả chứng từ, chiếm đoạt tiền gửi từng khiến dư luận xôn xao thời gian qua?
Tôi cho rằng, hầu hết ngân hàng tiếp nhận các vụ việc liên quan đến việc mất tiền một cách rất thụ động và đổ thừa. Vụ 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình xảy ra tại chi nhánh của Eximbank là một thí dụ, khi đại diện Eximbank cho rằng, vụ mất tiền này có yếu tố lừa đảo, nên phải chờ phán quyết của tòa án.
Hiện nay, người dân gửi tiền vào ngân hàng hoàn toàn bằng niềm tin, tín chấp. Quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng là quan hệ bất cân xứng, khách hàng không đòi hỏi ngân hàng phải kinh doanh tiền của họ như thế nào.
Nhiều ngân hàng thường cắt cử nhân viên hỗ trợ làm thủ tục đối với khách hàng và có thể mở tài khoản tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm mà khách hàng yêu cầu.
Đây là một trong những phương thức được ngân hàng áp dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ chân khách hàng và mở rộng thị phần. Thế nhưng, lãnh đạo một số ngân hàng còn thờ ơ, thiếu sòng phẳng, thiếu trách nhiệm khi ứng xử với những khách hàng này trong trường hợp xảy ra rủi ro.
Nhưng đó không hoàn toàn là lỗi của ngân hàng do nhiều khách hàng lớn (VIP) thường yêu cầu được phục vụ tại nhà?
Từ nhiều năm nay, hàng loạt ngân hàng đưa ra chương trình chăm sóc cá nhân gửi tiết kiệm với số tiền lớn. Theo đó, khách VIP thường không đến quầy ngân hàng để giao dịch để tránh mất thời gian, mà ủy quyền cho các cán bộ là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch... của ngân hàng thực hiện toàn bộ giao dịch gửi, rút tiền.
Thực tế trên đã dẫn đến rủi ro về pháp lý trong giao dịch khách hàng như ủy quyền, quyết định, đại diện, chữ ký... bởi Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc ngân hàng có phần lơ là trong giám sát giao dịch, kiểm soát nhân viên. Từ đó, một số cán bộ ngân hàng lợi dụng kẽ hở, sự tin cậy của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Với một số trường hợp khác, do được ngân hàng săn đón nên khách hàng VIP đã tin tưởng giao dịch tiền gửi tiết kiệm, nhưng đại diện ngân hàng lại không thực hiện đầy đủ thủ tục, văn bản cho khách hàng ký ủy quyền, thậm chí đánh tráo hồ sơ. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi rủi ro sẽ thuộc về khách hàng.
Theo ông, người gửi tiền tiết kiệm nên lưu ý những vấn đề gì để tránh được rủi ro?
Trong những vụ việc mất tiền trên cũng có phần chủ quan của khách hàng VIP khi giao phó toàn bộ tài sản của mình cho cán bộ ngân hàng hoặc ký khống giấy tờ. Vì thế, dù là khách hàng VIP cũng không nên chủ quan, tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ ngân hàng nào để tránh rủi ro.
Rủi ro lớn nhất vẫn là con người, mà con người thì khó kiểm soát nhất dù có hàng loạt quy định văn bản. Do đó, với giao dịch gửi tiền, khách nên giao dịch trực tiếp tại quầy, không nên giao dịch bên ngoài, không ký sẵn chứng từ bởi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thận trọng khi giao dịch trực tuyến, đồng thời kiểm tra số dư định kỳ.
Đã có rất nhiều trường hợp thất thoát tài khoản, vì giao dịch bằng niềm tin và không tuân thủ các quy định, nên khách hàng phải đặc biệt cẩn trọng với tài khoản của mình.
Người có tiền gửi tại các ngân hàng cũng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật, đồng thời tôn trọng, tuân thủ đầy đủ quy trình giao dịch với ngân hàng.
Bản thân ngân hàng cũng phải có thêm biện pháp để hỗ trợ khách hàng tránh rủi ro… thưa ông?
Sau hàng loạt vụ tiền mất tiền do chênh lệch số dư trong sổ tiết kiệm và hệ thống core banking, nhiều ngân hàng đã đồng loạt đưa vào sử dụng dịch vụ kiểm tra số dư sổ tiết kiệm.
Việc ngân hàng đưa thêm dịch vụ mới giúp người dùng dễ dàng tra cứu thông tin sổ tiết kiệm là cần thiết, giúp khách chủ động hơn trong tra cứu tài khoản tiết kiệm. Ngay sau vụ việc xảy ra tại chi nhánh Eximbank, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Theo tôi đây là những giải pháp thiết thực.