Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài hiện nay, đối với Việt Nam, yêu cầu quan trọng và thiết yếu nhất trong chiến lược phát triển đất nước 10 năm và giai đoạn tiếp theo là làm sao nền kinh tế Việt Nam không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, nói:
Tư tưởng chính của hình ảnh “bẫy thu nhập trung bình” là ở chỗ các chiến lược giúp đưa các nước thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và dừng ở đó, không thể tiếp tục đưa họ lên mức thu nhập cao. Việt
Theo tôi, việc phát triển đi lên từ một nước thu nhập thấp, đến thu nhập trung bình và vươn lên thành nước có thu nhập cao đòi hỏi phải có một quá trình.
Để quá trình phát triển không dừng lại ở mức thu nhập trung bình, hay nói khác đi là tránh rơi vào và bước qua “bẫy thu nhập trung bình”, ngay từ bây giờ chúng ta đã phải hành động, phải có chiến lược và tổ chức thực hiện đồng bộ để huy động, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của nước ta về nguồn nhân lực, về địa kinh tế (vị trí địa lý, tài nguyên, thiên nhiên...) và một yếu tố hết sức quan trọng là nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để đưa đất nước tiếp tục tiến lên với tốc độ nhanh, bền vững.
Để ra khỏi được mức thu nhập trung bình, phải hoạch định con đường phát triển đất nước sao cho duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh một cách bền vững.
Trên con đường đó có nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua như đối mặt với cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường thế giới, gắn kết tăng trưởng và bình đẳng; nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch; kiểm soát, ngăn chặn những khủng hoảng mới; đẩy mạnh đa dạng hóa các thị trường vốn; tự do hóa thương mại dịch vụ; mở rộng các hệ thống giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước chuyển sang nền kinh tế tri thức...
Tôi muốn nhấn mạnh, dù phải đối mặt với những khó khăn hay thách thức gì thì cũng phải tập trung, tạo lập cho được một hệ thống chính sách thật tốt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững, và phải phát triển nhanh.
Nhanh trong bền vững và nhanh so với chính mình, nhanh để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, để vươn lên tầm cao hơn. Nhanh chính là cạnh tranh, nếu để tụt hậu thì cũng chính là thất bại, phải nâng cao khả năng cạnh tranh ở cả 3 cấp độ, cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp, giữa các cá nhân trong khuôn khổ pháp luật trong nước và quốc tế.
Để có một chính sách vĩ mô thật tốt để tránh cái "bẫy thu nhập trung bình" như theo nhấn mạnh của ông thì có lẽ Chính phủ không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn cần phải rất chú ý đến chất lượng tăng trưởng kinh tế?
Đúng như vậy. Chất lượng tăng trưởng chính là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo môi trường và ngược lại. Thực chất một số giải pháp kích thích kinh tế mà chúng ta đã và đang áp dụng chính là đã thể hiện tư tưởng này.
Trong chỉ đạo điều hành thực hiện các nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, cùng với việc tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát với yêu cầu hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước, trong bối cảnh thế giới đang có sự thay đổi sau khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có thể coi là“khoảng lặng” cần thiết để xem xét, đánh giá lại mô hình tăng trưởng của nước ta. Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có thể sẽ sa vào “bẫy thu nhập trung bình” đang chờ sẵn trên con đường phát triển phía trước, nếu không khẩn trương tái cấu trúc nền kinh tế. Ý kiến của ông về nhận định này là thế nào?
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới với những tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế nước ta đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, song quá trình hồi phục còn không ít thách thức.
Chính phủ đặc biệt quan tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém của kinh tế nước ta trong thời gian vừa qua. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội điều chỉnh, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn và đổi mới cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển bền vững hơn.
Trong điều kiện nền thế giới có nhiều thay đổi, nhiều cái mới thì chiến lược phát triển đất nước cũng phải đổi mới, gắn với điều kiện thực tế của Việt Nam và nhìn ra thế giới để ứng phó có hiệu quả với tình hình mới. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế.
Đề án sẽ tập trung đánh giá tác động của khủng hoảng và dự báo những biến đổi của kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường để qua đó xác định mô hình phát triển và các nội dung tái cấu trúc nền kinh tế nước ta.
Đề án sẽ đề xuất các chính sách, cơ chế, giải pháp nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, cân đối, hiệu quả; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao tiềm lực kinh tế của đất nước; bảo đảm nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế; gắn phát triển kinh tế với việc giải quyết các vấn đề văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó xử lý nhanh các ''điểm nghẽn'' phát triển, trước hết là hoàn thiện thể chế để giải phóng mạnh mẽ hơn nữa lực lượng sản xuất, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trên cả 4 lĩnh vực: cán bộ lãnh đạo và hoạch định chính sách, cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia khoa học công nghệ đầu đàn và công nhân lành nghề; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, tạo tiền đề để trở thành nước công nghiệp phát triển trong tương lai.