Ông Vũ Bá Phú. Nguồn: Vietfish.org.

Ông Vũ Bá Phú. Nguồn: Vietfish.org.

Làm gì để khỏi bị nghi trốn thuế chống bán phá giá?

Doanh nghiệp phải có chiến lược quảng bá để tránh bị điều tra chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, theo ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).

Ông Phú có nhận định như trên khi đề cập đến việc Brazil tuần trước đã tiến hành điều tra nguyên phụ liệu sản xuất giày dép có xuất xứ Trung Quốc và các sản phẩm giày dép xuất xứ Việt Nam và Indonesia do có nghi ngờ về việc giày dép Trung Quốc lẩn tránh thuế chống bán phá giá của Brazil bằng cách đi qua nước thứ ba.

 

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi thêm với ông Vũ Bá Phú xung quanh sự việc này.

 

- TBKTSG Online: Liên quan đến việc Brazil mới tiến hành điều tra giày dép của Việt Nam , đây có phải là một vụ việc nữa cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng một số mặt hàng Trung Quốc có thể chuyển sang Việt Nam để trốn thuế chống bán phá giá?

 

Ông Vũ Bá Phú: Tôi nghĩ dần dần cũng phải làm quen và bình tĩnh trước việc này (điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại - pv) trong thương mại quốc tế. Họ nghi ngờ việc chuyển tải rồi ra quyết định điều tra, và có thể sau khi điều tra, doanh nghiệp nào có hành vi chuyển tải sẽ phải chịu chế tài.

 

Trước đây, khi nước nào đó đánh thuế chống bán phá giá lên mặt hàng gì của Trung Quốc, thì sau đó lan đến Việt Nam (tức sau đó Việt Nam cũng bị đánh thuế chống bán phá giá – pv) hoặc không thì họ cũng nghi ngờ là Việt Nam lẩn tránh thuế. Sản phẩm xe đạp Việt Nam xuất sang các nước Liên minh châu Âu (EU) trước đây cũng rơi vào tình trạng này.

 

- Vậy làm cách nào để tránh việc chuyển tải và bị nghi ngờ chuyển tải hàng hoá để trốn thuế chống bán phá giá?

 

Để hạn chế hay chống việc chuyển tải như thế nào, tôi cho rằng phía hiệp hội có vai trò lớn nhất. Hiệp hội tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các thành viên đừng vì lợi ích ngắn hạn mà tham gia chuyển tải hàng hoá, làm ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài.

 

Còn trong dài hạn, để tránh được việc này, thì trong chiến lược của mình, doanh nghiệp phải tiếp thị, quảng bá để làm sao người tiêu dùng quốc tế nhận ra sự khác biệt giữa hàng Việt Nam và Trung Quốc. Không chỉ bằng giá, chất lượng, mà còn tạo hình ảnh như sản phẩm xanh, hay doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội…

 

Còn chống gian lận thương mại, như hàng Trung Quốc (thành phẩm - pv) dán nhãn Việt Nam , trách nhiệm thuộc về các cơ quan chống gian lận thương mại, đặc biệt là hải quan. Hải quan có hẳn một cục chống buôn lậu, trách nhiệm của cơ quan này phải làm sao để phát hiện nhiều vụ việc hơn nữa để xử lý.

 

Trước đây, Hải quan, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) (đơn vị cấp chứng nhận xuất xứ - pv) cũng từng có làm việc với nhau sau khi nghe tin như thế (về việc Brazil điều tra giày dép của Việt Nam – pv). Ngoài ra cũng có thông tư 08 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về xác định xuất xứ (C/O).

 

Theo thông tư này, điều kiện để được cấp C/O của Việt Nam là sản phẩm phải đạt giá trị gia tăng sau khi sản xuất, gia công, chế biến các nguyên liệu nhập khẩu là 30%. Tuy nhiên, theo luật Brazil thì giá trị gia tăng trong nước phải là 60% thì mới được coi là có C/O, còn dưới thì bị cho là gian lận và chuyển tải. Đây thực chất là một hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu.

 

- Xin cảm ơn ông!