Kỳ vọng hậu… Báo cáo 2035
Ngay sau Lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ (Báo cáo Việt Nam 2035), PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Chánh văn phòng hành chính Ban Chỉ đạo xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, đồng thời là tác giả chính của Chương “30 năm đổi mới và khát vọng Việt Nam 2035” và các cộng sự của mình bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giao.
Đó là nghiên cứu để cụ thể hóa các nội dung của Báo cáo Việt Nam 2035 vào Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 3 tới đây.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 (bên trái) và ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB công bố Báo cáo Việt Nam 2035. Ảnh: Đức Thanh
"Nếu có sự đồng lòng, đồng tâm và đồng chí để thực hiện khát vọng Việt Nam, thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ làm được nhiều hơn những gì mà các chuyên gia kinh tế đã nỗ lực hình dung" - Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT.
Đây chính là một trong những điều được nhắc tới nhiều nhất trong Lễ công bố. Bởi, nhìn vào 6 chuyển đổi mà ông Thắng nhắc đến như là điều kiện tiên quyết để hiện thực các khát vọng Việt Nam 2035 (gồm hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm; thúc đẩy đô thị hóa, tăng cường hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển bền vững về môi trường, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; đảm bảo công bằng, thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu và cải cách thể chế nhằm xây dựng một thể chế hiện đại, nhà nước hiệu quả), có thể thấy, cả cơ hội và thách thức đều vô cùng lớn cho các quyết sách tới đây của Chính phủ Việt Nam.
Ông Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh thẳng thắn đặt vấn đề rằng, Báo cáo này đang đặt yều cầu phải có sự thay đổi trong chương trình cải cách của Việt Nam.
“Tôi đặc biệt quan tâm đến cải cách để tăng cường yếu tố thị trường. Cải cách này là khó khăn, nhưng không có gì là không thể. Tôi hy vọng, các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ nghiên cứu Báo cáo một cách kỹ càng”, ông Antony khuyến nghị và tin rằng, Báo cáo này với những khát vọng từ chính người dân Việt Nam sẽ là nền tảng vững chắc cho sự thành công tiếp theo các nền kinh tế Việt Nam.
Đòi hỏi đồng lòng
Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg nhiều lần nhắc tới hai chữ “đồng lòng” trong lời bế mạc Lễ công bố. Sự đồng lòng giữa các chuyên gia kinh tế của Việt Nam và WB trong các phản biện để giúp Việt Nam nhìn về phía trước, để vạch ra con đường Việt Nam muốn đến trong vòng 25 năm tới, để lựa chọn các giải pháp chính sách cho những câu hỏi khó.
Đây cũng là điều mà ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhắc tới khi được hỏi về vị trí của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong khát vọng Việt Nam 2035. Thậm chí, ông Bình tin rằng, nếu có sự đồng lòng, đồng tâm và đồng chí để thực hiện khát vọng Việt Nam, thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ làm được nhiều hơn những gì mà các chuyên gia kinh tế đã nỗ lực hình dung.
Khát vọng Việt Nam 2035 không phải là một giấc mơ, mà là một thực tế đang được thực hiện (ảnh minh họa)
“Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào cả Chính phủ tới từng người dân. Nhưng ở góc độ doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi muốn Việt Nam phải trở thành đất nước phồn vinh, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Nhiệm vụ của doanh nghiệp tư nhân là sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, vươn ra thế giới, đồng thời hỗ trợ khởi nghiệp, lập ra các doanh nghiệp sáng tạo, tham gia các quỹ đầu tư mạo hiểm để Việt Nam thực sự trở thành quốc gia phồn vinh và thịnh vượng. Nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều khó khăn và cản trở. Chúng tôi muốn nhìn thấy những thay đổi, tháo gỡ…”, ông Bình bày tỏ quan điểm.
Có lẽ phải nhắc đến câu nói của ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) trong Lễ công bố Báo cáo này rằng, khát vọng Việt Nam 2035 không phải là một giấc mơ, mà là một thực tế đang được thực hiện, là một Việt Nam thịnh vượng, công bằng và văn minh.
“Việt Nam đang là mô hình mẫu mực cho các nước đang phát triển khác. Đây là thời điểm mấu chốt trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam”, ông Jim Yong Kim khuyến nghị.