Lâm Đồng xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI

0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Mô hình nông nghiệp nhà kính kết hợp du lịch canh nông phát triển mạnh thời gian qua ở Lâm Đồng. Ảnh: Linh Đan

Mô hình nông nghiệp nhà kính kết hợp du lịch canh nông phát triển mạnh thời gian qua ở Lâm Đồng. Ảnh: Linh Đan

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo công bố của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, năm 2020, PCI của tỉnh Lâm Đồng xếp ở vị trí 23/63 tỉnh, thành với 64,43 điểm, thuộc nhóm các địa phương có mức điều hành khá.

Trong 10 chỉ số thành phần, năm 2020 có 3 chỉ số tăng điểm, tăng thứ hạng so với năm 2019, gồm chỉ số chi phí thời gian tăng 1,11 điểm (tăng 2 bậc, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành); chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng 1,39 điểm (tăng 32 bậc, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành); chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,27 điểm (tăng 12 bậc, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành).

Vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cấp Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và những năm tiếp theo.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định rõ việc tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành gắn với việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Cải cách hành chính và cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị liên quan phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp để tăng điểm, tăng vị trí xếp hạng của 10 chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, chịu trách nhiệm trước Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ duy trì và tiếp tục phấn đầu nâng điểm các chỉ số năm 2020 được đánh giá cao hơn trung vị của cả nước, được xếp thứ hạng cao, gồm: Chỉ số tiếp cận đất đai: đạt 6,94 điểm (trung vị cả nước đạt 6,66 điểm), xếp hạng thứ 20/63 tỉnh, thành; Chỉ số chi phí thời gian: đạt 8,42 điểm (trung vị của cả nước đạt 7,71 điểm), xếp thứ 14/63 tỉnh, thành; Chỉ số chi phí không chính thức: đạt 7,36 điểm (trung vị cả nước đạt 6,62 điểm), xếp thứ 10/63 tỉnh, thành; Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: đạt 6,40 điểm (điểm trung vị cả nước đạt 5,91 điểm), xếp 23/63 tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện các chỉ số có điểm số thấp, giảm điểm năm 2020, phấn đấu số điểm đạt được bằng trung vị của cả nước trở lên.

Cụ thể: Chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,64 điểm, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành (phấn đấu đạt 7,81 điểm trở lên); Chỉ số tính minh bạch đạt 5,59 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành (phấn đấu đạt 5,85 điểm trở lên); Chỉ số tính năng động: đạt 6,14 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành (phấn đấu đạt 6,37 điểm trở lên); Chỉ số đào tạo lao động: đạt 5,80 điểm, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành (phấn đấu đạt 6,52 điểm trở lên); Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự: đạt 6,43 điểm, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành (phấn đấu đạt 6,80 điểm trở lên).

Tổng số điểm mà tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt được tăng thêm đối với 5 chỉ số nêu trên là 1,75 điểm (so với số điểm đạt được năm 2020).

Trên cơ sở báo cáo, phân tích số điểm đạt được và nguyên nhân dẫn đến các chỉ số, chỉ số thành phần bị đánh giá thấp điểm, giảm điểm trong năm 2020 so với năm 2019. Các ngành, các cấp trên địa bàn tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2021 và các năm tiếp theo, trong đó xác định trọng tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với các chỉ số.

Tin bài liên quan