Lâm Đồng kêu gọi đầu tư 5 dự án động lực, “kích cầu” phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Lâm Đồng kêu gọi 5 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực giao thông, đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị và khu du lịch.
Cao tốc Liên Khương (huyện Đức Trọng) nối đèo Prenn (Đà Lạt) rút ngắn thời gian đi lại từ Đà Lạt đi Cảng Hàng không Liên Khương và ngược lại. Ảnh: P.V.

Cao tốc Liên Khương (huyện Đức Trọng) nối đèo Prenn (Đà Lạt) rút ngắn thời gian đi lại từ Đà Lạt đi Cảng Hàng không Liên Khương và ngược lại. Ảnh: P.V.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, các dự án trên sau khi được đầu tư sẽ là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế động lực, các ngành khai thác các lợi thế so sánh của tỉnh.

Thứ nhất là Dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Mục tiêu dự án là xây dựng khu đô thị kiểu mẫu đáp ứng nhu cầu ở và môi trường sống chất lượng cao cho khu vực và các khu lân cận; phát triển nhà ở tập trung, đồng bộ hình thành khu đô thị xanh - sạch - đẹp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, hài hòa với cảnh quan chung của khu vực; đảm bảo sự đồng bộ, có tính kết nối, bền vững cho khu vực đô thị mới phía Nam sông Đa Nhim.

Tổng diện tích dự kiến sử dụng đất: 153,65 ha. Vị trí kêu gọi đầu tư có mật độ dân cư tại khu quy hoạch là khá thưa thớt. Hiện trạng sử dụng đất là đất nông nghiệp 128,44 ha, đất chưa sử dụng 11,38 ha; đất dân cư hiện trạng: 4,08 ha; đất trường học: 1,26 ha; đất sông, suối, mặt nước: 4,71 ha; đất giao thông: 3,78 ha. Về giao thông, dự án sẽ kết nối với trung tâm thị trấn nhờ tuyến đường Nguyễn Thái Học bắc qua sông Đa Nhim bởi Cầu Cao Thái mới.

Dự án được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành khi triển khai thực hiện dự án.

Đối với dự án này, UBND tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá về phát triển bất động sản và dịch vụ thương mại của tỉnh., lan tỏa trong thu hút đầu tư đối với các lĩnh vực khác của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, cư trú của người dân và du khách trong nước và quốc tế.

Cơ quan cấp phép dự án là UBND tỉnh Lâm Đồng. Hồ sơ dự án, số lượng bộ hồ sơ 1 bộ hồ sơ đánh giá sơ bộ năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức đấu thầu qua mạng đấu thầu quốc gia. Thời hạn xem xét hồ sơ cấp phép tối thiểu 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định chủ trương đầu tư.

Thứ hai là Dự án Khu du lịch Đankia - Suối Vàng. Theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, ranh giới dự án thuộc một phần diện tích các tổ dân phố 17 và 19, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Khu vực này có địa hình đồi núi phức tạp; hạ tầng xã hội còn yếu, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh.

Dự án Khu du lịch Đankia - Suối Vàng có tổng diện tích dự kiến sử dụng đất 3.998,18 ha. Tổng nhu cầu về điện của khu vực khoảng 16.900KVA. Nguồn điện từ trạm biến áp 110/22KV Suối Vàng công suất 25 MVA. Tổng nhu cầu cấp nước trung bình 9.500m3/ ngày đêm. Dự án kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động.

Dự án có mục tiêu đầu tư dự án là đầu tư Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng với các chức năng: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa; nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; trung tâm hội nghị, khách sạn; đào tạo và nghiên cứu; bệnh viện, chăm sóc sức khỏe; sân golf; trung tâm thể thao quốc gia; vui chơi giải trí; trồng cây dược liệu, trồng rừng và bảo vệ rừng.

Dự án được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành khi triển khai thực hiện dự án. UBND tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng dự án đầu tư hoàn thành sẽ đạt quy mô khoảng 7.000 phòng nghỉ, trung tâm điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe khoảng 200 giường; bệnh viện, viện dưỡng lão khoảng 1.200 giường; trung tâm giáo dục đào tạo khoảng 6.000 học sinh sinh viên. Đến năm 2025, dự án đặt mục tiêu sẽ đón khoảng 2,1 triệu lượt khách; đến năm 2030 đón khoảng 4,9 triệu lượt khách.

Cơ quan cấp phép dự án là UBND tỉnh Lâm Đồng. Hồ sơ dự án, số lượng bộ hồ sơ gồm 4 bộ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thời hạn xem xét hồ sơ cấp phép theo quy định hiện hành.

Thứ 3 là Khu công nghiệp Phú Bình (tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng). Cụ thể, phía Đông giáp đất quy hoạch đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; phía Tây và Nam giáp sông Đa Nhim; phía Bắc giáp đường nhựa vào thác Pongour; cách TP. Đà Lạt khoảng 45 km về phía Tây - Nam, cách Quốc lộ 20 khoảng 3 km và cách sân bay quốc tế Liên Khương khoảng 10 km.

Diện tích đất sử dụng: 246 ha (diện tích đất công nghiệp 171 ha). Nhu cầu về điện: Đất xây dựng công nghiệp: 200 - 350 KW/ha; Kho tàng: 50 KW/ha; Các công trình hành chính - dịch vụ: 20 - 30W/m2 sàn. Nhu cầu về nước: Nước cho nhu cầu sản xuất: 40 - 60 m3/ ha. ngày đêm; Nước cho khu hành chính - dịch vụ: 120 m3/ha. ngày đêm. Nhu cầu về lao động: Khoảng 19.188 người.

Hiện trạng hiện tại chưa bồi thường giải phóng mặt bằng. Mục tiêu của dự án là khu công nghiệp đa ngành kết hợp dịch vụ vận tải, kho bãi.

Dự án được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành khi triển khai thực hiện dự án. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, Khu công nghiệp Phú Hội, Khu công nghiệp Lộc Sơn đến nay đã hết đất công nghiệp để cho thuê xây dựng nhà máy; thời gian vừa qua nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên hệ và có nhu cầu đầu tư phát triển tại địa phương, nhưng hiện nay đã hết đất công nghiệp để giới thiệu và thu hút đầu tư (đã có 6 nhà đầu tư hạ tầng đến tìm hiểu, khảo sát và mong muốn được đầu tư khu công nghiệp.

Cơ quan cấp phép dự án là Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ dự án, số lượng bộ hồ sơ gồm 8 bộ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thời hạn xem xét hồ sơ cấp phép theo quy định hiện hành.

Thứ 4 là Dự án Phát triển vùng dược liệu trên địa bàn huyện Lạc Dương. Mục tiêu đầu tư là chú trọng phát triển sản xuất an toàn dược liệu, từng bước đem lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn. Hình thức đầu tư là đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Diện tích đất sử dụng 400 ha. Dự án thực hiện tại địa bàn các xã Lát, Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais, Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương.

Dự án được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành khi triển khai thực hiện dự án. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án sẽ hình thành vùng trồng, sản xuất dược liệu tập trung nhắm đáp ứng nhu cầu về dược liệu cho thị trường trong và ngoài tỉnh; tạo hiệu ứng lan tỏa trong thu hút đầu tư và phát triển các ngành hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp; sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư trong chuỗi giá trị tại địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Cơ quan cấp phép dự án là UBND tỉnh Lâm Đồng. Hồ sơ dự án, số lượng bộ hồ sơ 4 bộ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng. Thời hạn xem xét hồ sơ cấp phép theo quy định hiện hành.

Thứ 5 là Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Khu vực dự án đi qua huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai); huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Điểm đầu của dự án (trùng với điểm cuối dự án Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú): tại Km0+000, kết nối với đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và QL.20 hiện hữu tại Km60+100 (lý trình đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Điểm cuối dự án của PA.1: Giao cắt với đường Nguyễn Văn Cừ (khoảng Km7+700 của ĐT.725) theo quy hoạch là QL.55 nối Bảo Lộc với thị trấn Lộc Thắng, phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng - Tuyến có tổng chiều dài 66km.

Mục tiêu đầu tư là tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được hoàn thành sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông trong khu vực tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận (kết nối QL.20, QL.55, ĐT.725, ĐT.713 với tuyến cao tốc), qua đó thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm tải cho QL.20, giải quyết điểm đen về giao thông tại khu vực đèo Bảo Lộc; trực tiếp góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Diện tích sử dụng đất quy mô giải phóng mặt bằng theo nền đường hoàn chỉnh B=22m khoảng 455 ha. Trong đó, địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 80,84 ha và địa phận tỉnh Lâm Đồng khoảng 374,16 ha. Nhu cầu lao động khi dự án đi vào hoạt động khoảng 200 người. Dự án ưu tiên sử dụng lao động địa phương.

Dự án được thực hiện theo Luật Đầu tư số 64/2020/ QH14, nhà đầu tư sẽ được hưởng các quyền ưu đãi theo Điều 30 của Nghị định 35/2021/NĐ-CP. Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Điều 79 của Luật Đầu tư số 64/2020/QH14. Dự án hứa hẹn sẽ tiết kiệm chi phí vận hành của phương tiện - chi phí VOC (được xác định thông qua việc chạy phần mềm HDM-4; đồng thời đánh giá và kiểm chứng lại thông qua lý thuyết động học phương tiện). Lợi ích tiết kiệm thời gian cho hành khách - tính bằng tiền (được xác định dựa trên thời gian tiết kiệm được khi phương tiện chạy trên tuyến đường hầm và giá trị tính bằng tiền của thời gian). Lợi ích do giảm tiêu hao nhiên liệu và phát thải phương tiện (được xác định dựa trên việc giảm tổng lượng khí COe phát thải, và giảm chi phí xử lý môi trường hàng năm).

Cơ quan cấp phép dự án là UBND tỉnh Lâm Đồng. Hồ sơ dự án, số lượng bộ hồ sơ là 1 bộ hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Cơ quan tiếp nhận hố sơ là Sở Kế hoạch và Đầu tư; đấu thầu qua mạng đấu thầu quốc gia. Thời hạn xem xét hồ sơ cấp phép tối thiểu 30 ngày, kể từ ban hành quyết định chủ trương đầu tư.

Tin bài liên quan