Lâm Đồng: Đề nghị kiểm điểm nhiều cán bộ tòa án, viện kiểm sát

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo, Thẩm phán, Kiểm sát viên TAND và VKSND huyện Đức Trọng Lâm Đồng đã có vi phạm trong quá trình thụ lý, xét xử vụ án dân sự tranh chấp nhà đất số 7, đường Lê Hồng Phong, phường 4, TP Đà Lạt.
Trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng. (Nguồn: Báo Pháp Luật).

Trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng. (Nguồn: Báo Pháp Luật).

Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Lãnh đạo, Thẩm phán, Kiểm sát viên Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đức Trọng vì những vi phạm tố tụng trong quá trình xử lý vụ án xâm phạm chỗ ở của công dân đối với bà Lê Thị Thanh Thủy (trú tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng có văn bản đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Chánh án, Thẩm phán và Hội thẩm Nhân dân của Tòa án Nhân dân thành phố Đà Lạt đã có những vi phạm trong quá trình thụ lý, xét xử vụ án dân sự tranh chấp nhà đất số 7, đường Lê Hồng Phong (Phường 4, thành phố Đà Lạt).

Cụ thể, tại văn bản số 20 và 21/KN-VKSTC-C1 (P9) ngày 28/3/2023, lãnh đạo Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Chánh án Nguyễn Thanh Hùng, Thẩm phán Trần Thanh Long của Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng do vi phạm quy định Bộ luật Tố tụng hình sự; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Thẩm phán Nguyễn Thị Sinh của Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng vì vi phạm quy định Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014.

Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Viện trưởng Lê Thị Ngọc Hương, Kiểm sát viên Nguyễn Phi Hùng của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đức Trọng do vi phạm quy định Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo đó, ngày 28/5/2020, Thẩm phán Nguyễn Thị Sinh chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ xâm phạm chỗ ở của công dân, tuyên phạt bà Lê Thị Thanh Thủy 9 tháng tù.

Bà Thủy có đơn kháng cáo kêu oan. Đến ngày 9/11/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Ngày 11/5/2021, Công an huyện Đức Trọng ra kết luận điều tra vẫn đề nghị truy tố bà Thủy về tội xâm phạm chỗ ở của công dân. Ngày 10/6/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đức Trọng ban hành cáo trạng truy tố bà Thủy về tội danh trên.

Sau đó Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đức Trọng ra quyết định tạm giam bà Thủy cho đến ngày xét xử.

Trước khi bị bắt tạm giam, bà Thủy đã có đơn tố cáo thẩm phán xét xử phiên tòa sơ thẩm nhận hối lộ và hứa cho bị cáo hưởng án treo, tuy nhiên bà Thủy vẫn bị tuyên 9 tháng tù.

Sau gần hai năm điều tra, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xác định hành vi của bà Thủy về xâm phạm chỗ ở của công dân theo khoản 1 Điều 124, Bộ luật Hình sự năm 1999 có mức phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm do phạm tội ít nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Kiểm sát viên Nguyễn Phi Hùng đã tham mưu trình Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đức Trọng Lê Thị Ngọc Hương ký lệnh bắt tạm giam bà Thủy 10 ngày là không đúng quy định.

Cũng trong vụ việc này, Thẩm phán Trần Thanh Long tham mưu, đề xuất để Chánh án Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định tạm giam đối với bà Thủy trong thời gian 30 ngày là vi phạm quy định; Thẩm phán Nguyễn Thị Sinh tiếp đương sự tại nhà riêng (không xác định được hành vi nhận hối lộ) là vi phạm quy định…

Tại văn bản số 29/KN-VKSTC-C1 (P9) ngày 5/5/2023, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Đà Lạt Nguyễn Thị Huyền; Thẩm phán Nguyễn Đặng Thị Thới, hai Hội thẩm Nhân dân là ông Dương Hải Long và bà Đỗ Thị Thanh Hương.

Những cá nhân nêu trên được cho đã có những vi phạm trong quá trình thụ lý, xét xử vụ án dân sự tranh chấp nhà đất số 7, đường Lê Hồng Phong (Phường 4, thành phố Đà Lạt).

Trước đó, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã thụ lý, xác minh nguồn tin về tội phạm theo Công văn ngày 30/11/2021 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Kết quả xác minh xác định, trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán Nguyễn Đặng Thị Thới biết vụ việc ông Hồ Bảo Thái nhận của ông Vân Bình Cường số tiền 4,5 tỷ đồng thông qua hợp đồng mua bán nhà và đất tại số 7 Lê Hồng Phong là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Đồng thời biết việc ông Cường khởi kiện yêu cầu công nhận quyền sở hữu căn nhà số 7 Lê Hồng Phong đã được giải quyết tại Bản án kinh doanh thương mại xét xử sơ thẩm ngày 21/8/2017 của Tòa án Nhân dân thành phố Đà Lạt.

Do nhận thức Bản án kinh doanh thương mại số 13/KDTM-ST ngày 21/8/2017 của Tòa án Nhân dân thành phố Đà Lạt nhận định hợp đồng mua bán nhà và đất tại số 7 Lê Hồng Phong giữa ông Cường với ông Thái là vô hiệu, chưa giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu và kiến nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Lạt đã được Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Đà Lạt giải quyết.

Bởi vậy Hội đồng xét xử đã ra Bản án dân sự sơ thẩm ngày 9/11/2021 trái pháp luật quy định.

Tuy nhiên, không đủ căn cứ xác định tại thời điểm trên, các ông bà trong Hội đồng xét xử biết rõ việc ra bản án trên là trái pháp luật, vì vụ lợi cá nhân, nên hành vi của Thẩm phán Nguyễn Đặng Thị Thới và các Hội thẩm Nhân dân không cấu thành tội phạm “Ra bản án trái pháp luật,” mà là vi phạm các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Do đó, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về những vi phạm của Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Đà Lạt cùng các Thẩm phán và Hội thẩm Nhân dân xét xử phiên tòa trên, đồng thời rút kinh nghiệm chung, tránh vi phạm tương tự xảy ra.

Tin bài liên quan