Thưa ông, đây có phải là thời điểm tốt để bàn về mô hình đặc khu kinh tế?
Trước tiên, phải nói ngay là không phải bây giờ chúng ta mới tiếp cận mô hình đặc khu kinh tế. Nhiều năm trước, chúng ta đã có đặc khu kinh tế mang tên “Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo” - sau này là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tôi hiểu đặc khu kinh tế là vùng có quy chế đặc biệt, có điều kiện thể chế, hạ tầng tốt để tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư, chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài. Hiểu theo nghĩa đó thì các khu công nghiệp, khu kinh tế với những thể chế, điều kiện đặc biệt hơn so với bên ngoài cũng là một hình thức đặc khu.
Tuy nhiên, thực tế các mô hình này vẫn chưa tạo được sự đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia, cho dù đã có những lợi thế nhất định về điều kiện hạ tầng đồng bộ, thể chế ở mức cao nhất so với mặt bằng chung của Việt Nam.
Vấn đề nằm ở chỗ, các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia cần một thể chế vượt trội so với chuẩn mức của thế giới, chứ không chỉ là so với chuẩn Việt Nam. Điều này giải thích một phần lý do tại sao các khu kinh tế của ta vẫn chỉ thu hút được những nhà đầu tư quy mô vừa phải, chủ yếu tận dụng những lợi thế trực tiếp, chứ chưa có những tên tuổi hàng đầu thế giới, hàng đầu châu Âu, Mỹ…
Nghĩa là mô hình đặc khu kinh tế đang được bàn tới với Vân Đồn (Quảng Ninh) hay một vài địa điểm khác đòi hỏi những thể chế khác biệt?
Bài học kinh nghiệm trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn vừa qua đã đặt ra yêu cầu, để đạt được mục tiêu tạo sự đột phá, tính lan tỏa mạnh mẽ của mô hình đặc khu kinh tế, cần phải có những thể chế ở tầm tốt nhất, đẳng cấp nhất của thế giới. Có nghĩa là, không thể tư duy theo hướng xây dựng đặc khu kinh tế tốt hơn một chút so với các mô hình khu kinh tế hiện tại.
Sự thành công của Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc) hay Khu kinh tế tự do Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất), ngoài những lý do về điều kiện tĩnh (vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng hàng không…), còn là vì khung thể chế cho phép những nhà đầu tư lớn nhất thế giới hoạt động trong điều kiện toàn cầu, áp dụng những luật lệ, thông lệ tốt nhất thế giới…
Ở Việt Nam, những cửa mở ra thế giới như Quảng Ninh - Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu là những điểm có lợi thế để áp dụng mô hình đặc khu kinh tế. Nếu tạo được sự bứt phá mạnh mẽ của các vùng này, thì tính lan tỏa sẽ rất lớn và có tính đột phá.
Theo ông, Vân Đồn có hội tụ đủ các điều kiện để xây dựng đặc khu kinh tế?
Những người đề xuất Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế đã nghiền ngẫm, tính toán đầy đủ về những lợi thế về địa lý, kinh tế, những điểm đặc thù để đảm bảo cho sự bứt phá trong điều kiện thể chế vượt trội.
Về địa thế tĩnh, đó là sự gắn kết với hệ thống cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, lợi thế nằm trong di sản thiên nhiên thế giới, có điều kiện để phát triển tổ hợp du lịch đẳng cấp thế giới cho những con người đẳng cấp thế giới.
Cũng phải nói ngay, sự bứt phá của Vân Đồn sẽ không phải chỉ dành riêng cho Quảng Ninh, mà cần nghiên cứu, xem xét trên cơ sở lan tỏa, tạo cú hích cho phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Chính vì vậy, cần đứng trên lợi ích tổng thể để xây dựng vùng thể chế đặc biệt đủ rộng để đáp ứng yêu cầu cao của các nhà đầu tư thế giới đến sinh sống và làm việc.