Theo bà Diệp, trong vòng 5 năm trở lại đây, trào lưu Kiến trúc Xanh phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Những công trình xanh xuất hiện liên tục và có số lượng tăng nhanh trên toàn quốc.
Đến nay, trên cả nước đã có hơn 100 công trình đăng ký đánh giá và đạt chứng chỉ Công trình Xanh. Xu hướng Xanh hay tiêu chí Xanh đã trở thành một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng trong các cuộc Thi tuyển phương án Kiến trúc – Quy hoạch, hay các Giải thưởng kiến trúc.
Thống kê chưa đầy đủ, nếu so sánh nhận thức về sự cần thiết của việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong xây dựng thì Việt Nam hiện đang đứng trên một số nước trong khu vực như Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar, nhưng vẫn đứng sau với khoảng cách khá xa so với các nước còn lại trong khu vực.
Tổng cộng các công trình xanh tại 5 nước là Việt Nam, Phillipines, Campuchia, Myammar và Lào hiện mới chỉ có khoảng hơn 300 công trình xanh, con số này là rất khiêm tốn so với các nước phát triển trong khu vực, chẳng hạn Singapore.
Nhìn nhận một cách tổng quan, công trình xanh có ý nghĩa vô cùng to lớn tới môi trường và sự phát triển bền vững. Trong đó, giảm khí thải, bảo tồn nguồn nước, quản lý nước mưa, điều hòa nhiệt độ, giảm thiểu phát thải, nâng cao năng suất lao động,… là những lợi ích đã được minh chứng cụ thể trong thực tế đối với công trình xanh.
Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua, công trình xanh vẫn không phổ biến và chưa được quan tâm một cách thực chất để mang lại giá trị cho môi trường và xã hội.
Theo bà Diệp, một trong những vấn đề lớn nhất đối với công trình hiện nay chính là việc nhầm lẫn khi cho rằng công trình xanh tốn kém nhiều chi phí.
Rất nhiều chủ đầu tư, người mua nhà hiện nay cho rằng muốn đạt được các tiêu chí xanh để được cấp các chứng chỉ, một dự án sẽ phải mất thêm 20 – 30% chi phí, từ thiết kế, vật liệu và cả chi phí thi công.
Tuy nhiên thực tế, công trình xanh là sống xanh và tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả thì ngay từ đầu đã tính được nên làm cái gì từ thiết kế, thi công, công nghệ… Qua đó, mức giá cũng không thể nào tăng mạnh như vậy.
Bà Diệp cho biết, "Các công trình xanh mà tốn thêm tới 20 – 30% thì chỉ là do anh đang làm dở dang, thấy công trình xanh bán được hơn thì chuyển đổi bằng cách mua thêm các vật liệu cách nhiệt, cách âm… Đó không phải công trình xanh, bởi công trình xanh không phải giải pháp đơn lẻ mà phải là giải pháp tổng thể, phải hỗ trợ cho nhau để đạt được hiệu quả tối ưu nhất".
"Nếu làm đúng công trình xanh ngay từ đầu mà mất 20 – 30% chi phí thì chắc chúng tôi mất việc chứ không còn đi tuyên truyền và tư vấn về công trình xanh" bà Diệp nhấn mạnh.
Theo đánh giá của PGS.TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên – CEO Viện Nghiên cứu và phát triển Đô thị xanh Việt Nam cho biết, mục tiêu của chương trình là tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh..., trong đó vai trò của các doanh nghiệp bất động sản được Thành phố xác định là khá quan trọng.
Để đạt được các mục tiêu như trên thì sự phối hợp giữa các bộ phận càng sớm, càng tốt để xây dựng lên một quy trình thiết kế tích hợp, nhắm tới việc tạo sự hợp tác nội bộ bên trong đội ngũ thiết kế (nhà đầu tư/phát triển, thợ xây, kiến trúc sư, kỹ sư) từ các giai đoạn đầu của dự án.
Nhờ đó, sẽ nhận dạng các cơ sở và các mục tiêu thiết kế đảm bảo hiệu quả năng lượng tối ưu ngay từ đầu. Ngoài ra, ISD cũng tập trung xem xét ảnh hưởng của mỗi phần thiết kế đến tổng thể công trình.
Hiện nay, dù chưa có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển công trình xanh tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã định hướng phát triển công trình xanh và mang lại nhiều đóng góp cho xã hội như Capital House, Phúc Khang, Nam Long, HUDLAND… Các dự án đã được ghi nhận có hiệu quả trong việc bán hàng cũng như đón nhận sự đánh giá cao của người dân sau khi về sinh sống.
Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục thúc đẩy sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Ngoài việc các doanh nghiệp cần nâng cao kiến thức về công trình xanh, thì quan trọng hơn cả là các cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình “xanh”, xây dựng chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế, thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch…
Thêm nữa, cần sự thấu hiểu và đồng hành của các đơn vị truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công trình xanh, bảo vệ môi trường và chú trọng phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.