Có thể thấy, không có gì khác biệt với mọi đối thủ cạnh tranh. Vậy điều quan trọng nhất vẫn là trong cùng một thời gian, ai có thể tạo ra sản phẩm, hoặc rẻ hơn, hoặc chất lượng tốt hơn, hoặc cả hai, sẽ là người chiến thắng. Và hiển nhiên, đó là người Nhật.
Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, các công ty Nhật đã thực sự tạo ra cuộc cách mạng về quản trị. Họ là những người tiên phong trong việc triển khai các hệ thống quản trị chất lượng như Total Quality Management, Toyota Ways, Continuous Improvement... Kết quả là, các nhà máy Nhật đã sản xuất ra hàng hoá với chất lượng cao hơn, giá thành rẻ hơn trong nhiều thập niên. Có thể nói, hàng hoá Nhật xâm chiếm thành công thị trường phương Tây nhờ hiệu quả của quản trị. Những công ty Nhật như Toyota, Sony, Canon... đã trở thành những thương hiệu hàng đầu thế giới, nhờ chiến lược quản trị hiệu quả.
Nhưng nếu nhìn lại hai chục năm gần đây, chúng ta ít thấy doanh nghiệp Nhật xuất hiện trong danh sách những công ty mới, thành công nhất thế giới. Những Amazon, Google, Facebook, YouTube, Twitter, Uber, AirBnB, Tesla... đều là các công ty Mỹ!
Đây là một sự ngạc nhiên. Người ta giải thích rằng, có thể người Nhật đã quá chú trọng tới "Làm tốt cái cũ", nên xao nhãng với "Làm cái mới"!
Thực tế, trong vòng hai chục năm trở lại đây, luật chơi của thị trường đã đổi khác. Công nghệ thay đổi nhanh hơn. Sự tích hợp của nhiều công nghệ, đặc biệt là internet, đã thay đổi lối sống của con người. Rất nhiều sản phẩm mới ra đời. Vòng đời của các sản phẩm truyền thống cũng trở nên ngắn hơn.
Thị trường toàn cầu hoá vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Nó khuếch đại mọi thứ, từ tốt tới xấu. Trong một thời gian ngắn, trò chơi Pokemon được cả thế giới say mê. Nhưng nếu Nokia có một sản phẩm lỗi, ngay lập tức cũng sẽ được cả thế giới biết đến.
Các công ty ngày nay phải có khả năng phản ứng với những thay đổi nhanh của khách hàng, của công nghệ, của thị trường; không chỉ liên tục benchmark với những best practice như trước kia mà phải luôn có những phát kiến mới để đi trước đối thủ... Để có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện mới, các công ty cần phải tổ chức gọn nhẹ và linh hoạt. Một tổ chức lớn được điều hành bằng một hệ thống quản trị chặt chẽ là không đủ động lực trong bối cảnh hiện nay.
Theo Giáo sư Đại học Harvard, Michael Porter, hiện nay, các công ty Nhật đang mất năng lực cạnh tranh, do chậm đổi mới. Mà nguyên nhân chính là hệ thống quản trị phức tạp của họ đã tạo ra khoảng cách rất khó thu hẹp giữa văn phòng (back office) và bán hàng (frontier). Nếu suy nghĩ của bạn còn bị chi phối bởi hai chữ "hiệu quả", bạn sẽ không cố gắng làm cái mới, cái khác.
Ngày nay, vị thế của một công ty trên thị trường không phải là cái bền vững. Nếu công ty có một lợi thế nào đó, trong trường hợp tốt nhất, nó cũng chỉ mang tính tạm thời. Nếu bạn ỷ vào lợi thế của công ty ngày hôm nay thì điều đó đã đảm bảo 50% khả năng thất bại. Thế giới đang thay đổi, để thích nghi bạn cũng phải thay đổi. Và để dễ thay đổi, tổ chức của bạn phải tinh giản và gọn nhẹ.
Vậy, giữa hai chiến lược "Quản trị hiệu quả" của người Nhật và "Mạnh mẽ đổi mới" của người Mỹ, bạn chọn đi theo cái nào?
Ông Hoàng Minh Châu - Cố vấn cao cấp của Tập đoàn FPT, Giảng viên doanh nhân của Viện Quản trị kinh doanh FSB
Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kishinhov của Nga ngành Toán và Đại học Amos Tuck của Mỹ ngành Quản trị kinh doanh cao cấp, ông Châu là Giám đốc Chi nhánh FPT TP. HCM từ ngày đầu thành lập (năm 1990 đến 10/2009), Giám đốc đầu tiên của FPT Đà Nẵng (năm 1999) và là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT từ năm 2002. Năm 2013, Công ty FPT Myanmar được thành lập, ông Châu được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch FPT Myanmar.
Với kinh nghiệm 25 năm điều hành doanh nghiệp, với nhân viên từ 13 đến 13.000 người, ông Châu đã đưa FPT TP. HCM từ một tổ chức nhỏ bé, lần lượt vượt qua những công ty nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại đây để trở thành đơn vị hàng đầu. Đối với Tập đoàn FPT, ông được Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình tín nhiệm trong các hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quản trị hệ thống. Ông được coi là linh hồn của văn hoá doanh nghiệp FPT, một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển con người của Tập đoàn.
Với kinh nghiệm lãnh đạo hơn 30 năm, ông Châu đã nhận lời mời của Viện Quản trị kinh doanh FSB làm giảng viên doanh nhân cho các chương trình đào tạo MBA, MinMBA và những khóa đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo.