Đã xác định đồng hành thì cũng cần chia sẻ với nhau cả trong gian khó, chứ không chỉ “khi vui thì vỗ tay vào”
Trong cuộc gặp gỡ mới đây với lãnh đạo một DN từng có tiếng năng động trong ngành bất động sản, chưa kịp hỏi câu gì, phóng viên đã được vị giám đốc trút bầu tâm sự, kể về nỗi khổ của DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ông bảo, từ sau Tết con rắn đến nay, DN chỉ lo đôn đáo đi vay tiền và đi đảo nợ, chứ hoạt động sản xuất - kinh doanh gần như bất động, người lao động không có việc làm, lương lậu của cả dàn lãnh đạo cũng phập phù, chứ đừng nói công nhân.
Kể khổ một hồi, vị giám đốc này mới chùng giọng, rằng cậu là chỗ quen biết từ lâu nên mình mới hẹn gặp, chứ cánh phóng viên khác có gọi đến thì cũng chỉ trả lời xã giao, qua loa trên điện thoại. Vì đã gặp phóng viên rồi, ít nhiều kiểu gì DN cũng phải tiết lộ thông tin. Mà gặp trực tiếp, nếu không kìm nén được cảm xúc, “vạ miệng” thì khổ mình, khổ cả DN. Bởi khó khăn là khó khăn chung, có kêu thì cũng đến thế, thôi thì cứ lấy câu “im lặng là vàng” rồi lần hồi tìm cách vượt qua cơn khốn khó.
Cách hành xử ấy có lẽ chả phải của riêng vị giám đốc này và những người muốn “đóng cửa” thông tin cũng không phải không có cái lý của mình. Ngày trước, TTCK, thị trường bất động sản có câu chuyện “xấu che, tốt khoe”, nhưng bây giờ có thể nói, xấu che, tốt cũng che nốt. Khi cả sàn đỏ lửa, cổ phiếu có tin tốt nhiều lúc cũng chả giữ được màu xanh. Có tin gì tốt khoe ra, ngộ nhỡ khi xấu giời, DN lại bết bát thì khổ với cổ đông. Chưa kể các đối thủ cạnh tranh nhòm ngó, tranh giành… Thế nhưng, cũng chính vì những nỗi lo “ngộ nhỡ ra” ấy khiến cánh báo chí kinh tế gặp mùa giáp hạt thông tin.
Phóng viên của một tờ báo điện tử có tiếng ở Hà Nội mới đây phải than trời vì nguồn tin từ các DN thời gian qua cứ rơi rụng dần. Nếu như trước đây, hòm thư điện tử của anh vẫn nhận được đều đặn hàng chục thông tin mỗi ngày từ DN cả quen lẫn không quen, thì nay, cả tuần có khi chả có được một thông tin. Liên hệ với các lãnh đạo DN thì được trả lời bận họp nọ họp kia, công tác nơi này nơi nọ. Anh này nửa đùa, nửa thật: “Chả hiểu sao hàng làm ra ế đầy trong kho, công nhân không có việc làm mà các bác ấy họp hành, công tác lắm thế???”.
Do khó khăn trong việc tiếp cận trực tiếp nguồn tin, cánh phóng viên phải sử dụng nhiều “chiêu” khác để có được thông tin từ DN. “Biện pháp tác nghiệp” phổ biến nhất là mỗi sáng dạo qua một vòng niên giám DN, điện thoại cầu may theo kiểu đi câu. Nhưng các “ngư ông cầm bút” nhiều khi cả buổi cũng chẳng được ai bắt nhời. Nếu có thì cũng lại là những lời từ chối khéo hoặc trả lời đầy tính ngoại giao.
Một phóng viên phụ trách mảng DN của một tờ báo kinh tế lớn ở Hà Nội chia sẻ, bất đắc dĩ mới phải gọi điện lấy thông tin, chứ viết báo qua điện thoại rất đơn điệu. Nhưng chính phóng viên này cũng phải thừa nhận, từ Tết đến nay, hạ sách này được anh sử dụng thường xuyên. Ngay cả những phóng viên “ruột” có quan hệ mật thiết, biết là sẽ không viết xấu về mình, DN cũng ngại gặp để lại… ôn nghèo kể khổ!
Không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận thông tin từ phía DN, mà với các cơ quan quản lý, gặp gỡ cũng không dễ. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Nhưng tiếp xúc với các cơ quan thừa hành để tìm hiểu thông tin về việc triển khai chính sách là vấn đề đau đầu của giới báo chí. Chính vì thế, mới có chuyện cánh phóng viên hàng ngày vẫn phải rì rầm hỏi nhau lịch hội thảo này, hội thảo kia để tham gia, nhiều khi chỉ vì một mục đích là “bắt cóc” một lãnh đạo nào đó muốn gặp để phỏng vấn vài câu, chứ đòi hỏi một cuộc phỏng vấn riêng là vô cùng khó…
Tất nhiên, đã xác định đồng hành thì cũng cần chia sẻ với nhau cả trong gian khó, chứ không chỉ “khi vui thì vỗ tay vào”. Nhưng nhân ngày lễ của giới làm báo, kể khổ một chút để ngẫm rằng, đúng là trong suy thoái, khó khăn chẳng chừa một ai. Nhất là những tòa soạn báo tự làm, tự ăn như một DN thì đúng là cực trăm bề. Khi làm báo thì đói thông tin, khi làm DN… lại đói tiền. Âu cũng là những thăng trầm nghề nghiệp vậy!