Vừa qua, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50, Công an Hà Nội) cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Trần Tấn Đạt (SN 1992,quê Bà Rịa Vũng Tàu) vì sử dụng mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được biết, thông qua công tác trinh sát trên mạng Internet, Đội 2, PC50 đã phát hiện một số đối tượng cung cấp dịch vụ làm giả bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ và các giấy tờ khác. Khi khách hàng có nhu cầu làm bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ giả thì phải chuyển tiền trước cho đối tượng qua tài khoản ngân hàng. Sau đó đối tượng rút ra và chiếm đoạt.
Sau thời gian tổ chức trinh sát, xác minh, ngày 18/6, Đội 2, PC50 đã làm rõ đối tượng liên quan là Trần Tấn Đạt, không có nghề nghiệp. Đầu năm 2014, Đạt tìm hiểu trên mạng internet và được biết một số người có nhu cầu mua bằng tốt nghiệp Đại học, trung cấp, chứng chỉ tốt nghiệp giả. Đạt nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người này.
Để thực hiện, Đạt ra các quán internet trên đại bàn xã Nghĩa Thành, Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu lập nhiều tài khoản trên trang mạng xã hội facebook, lập trang fanpages “Làm bằng đại học”, tham gia các nhóm khác nhau trên mạng xã hội Facebook, các diễn đàn trên mạng internet và đăng thông tin về việc mình có thể làm các loại bằng tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, trung cấp và các loại giấy tờ khác nhau với giá từ 1 - 30 triệu đồng. Đồng thời, Đạt lấy tên giả, cung cấp địa chỉ thư điện tử để người có nhu cầu làm giả bằng, chứng chỉ liên hệ.
Để che giấu hành vi phạm tội, Đạt tìm mua CMND do khách để quên tại các khách sạn với giá 100.000 đồng/CMND. Sau đó, anh ta thay ảnh của mình vào CMND và mở tài khoản tại các ngân hàng Sacombank, Agribank, Vietcombank nhằm nhận và rút tiền lừa đảo được.
Khi gặp khách có nhu cầu làm bằng giả, Đạt yêu cầu họ phải gửi thông tin cá nhân như họ tên, ảnh, scan CMND… qua email và đặt cọc trước 30% số tiền. Khoảng 3 ngày sau, Đạt sẽ liên hệ với khách thông báo đã làm xong bằng, chứng chỉ và yêu cầu chuyển nốt số tiền còn lại.
Nhận được tiền, Đạt tắt điện thoại và chiếm đoạt tiền. Khi rút tiền tại các cột ATM, anh ta bịt mặt, đội mũ để tránh bị phát hiện qua camera giám sát ngân hàng.
Trước mắt, Cơ quan chức năng làm rõ 2 vụ lừa đảo do Đạt thực hiện. Vụ thứ nhất, xảy ra ngày 28/1, chị H. có nhu cầu làm bằng giả Đại học Luật để xin việc cho em trai và tìm được thông tin do Đạt đăng trên mạng internet. Chị H. đã liên hệ và thỏa thuận làm giả bằng với giá 19 triệu đồng, trả trước 6 triệu đồng. Vài ngày sau, Đạt thông báo đã làm xong bằng và đòi chuyển nốt 13 triệu đồng.
Tương tự, anh C. chuyển cho Đạt 35 triệu đồng để làm giả bằng tốt nghiệp Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được 3 tỷ đồng và đang tiếp tục điều tra, xử lý làm rõ hành vi của Đạt.