Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Iot) và trí tuệ nhân tạo - những thành tố chính đang làm nên Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến sân chơi toàn cầu trở nên phi giới hạn, phi tuyến tính... Ai cũng đang nhìn thấy cơ hội và không muốn bỏ lỡ, dù con đường đi không giống nhau và cũng chưa thể nói trước những gì sẽ diễn ra sau đó.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup chọn làm VinFast với cách đi từ đỉnh, chọn khách hàng, chọn sản phẩm trước khi bắt tay xây dựng đội ngũ nhân sự, các đối tác cùng phát triển.
Doanh nhân Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát quyết định trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu, vừa xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc - cái nôi của ngành công nghiệp sản xuất thép thế giới.
Làm ăn 4.0 thế nào không phải là việc của riêng giới kinh doanh, mà của từng người dân Việt Nam để đi đến sự phồn vinh cho dân tộc
Doanh nhân Trần Bá Dương, linh hồn của Thaco vẫn kiên định với con đường đã chọn, không liên doanh, đầu tư mạnh vào công nghệ vì sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam...
Doanh nhân Lê Hồng Minh của VNG với thương hiệu đình đám Zalo đang có 70 triệu người dùng đã chọn cách sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn NASDAQ - sàn chứng khoán lớn thứ hai nước Mỹ và thế giới, nơi Apple, Microsoft, Google hay Facebook, Ebay… đang có mặt.
Nguyễn Hải Ninh, CEO The Coffee House; Nguyễn Hoàng Trung, CEO Lozi và Nguyễn Hoàng Hải, CEO Canavi vừa có mặt trong Top 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2017, bởi những ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh của họ.
Còn rất nhiều gương mặt trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã kết nối với thị trường thế giới bằng nhiều cách, đưa sản phẩm Việt Nam bước chân vào những thị trường ngách...
Đứng ở phía người kinh doanh, câu hỏi “Việt Nam có bị lỡ con tàu 4.0” không phải quá khó để trả lời. Thậm chí, trong bối cảnh cuộc chơi được phân chia lại, với những điểm xuất phát mới nhờ sự phát triển của công nghệ, lợi thế của những người đi sau, những doanh nghiệp nhỏ nhưng có tốc độ thay đổi nhanh, thậm chí cao hơn những ông lớn đã quá nặng nề, chậm chuyển dịch...
Nhưng câu hỏi nền kinh tế Việt Nam có bắt kịp xu hướng, để bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế đi trước hay không, có thể bước chân vào nền kinh tế sáng tạo hay không lại không dễ trả lời.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt.
Chính phủ đã xác định phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển; phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới; phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất - kinh doanh mới phát triển.
Nghĩa là, tư duy quản lý nhà nước đã được xác định phải mở cửa đón các ý tưởng kinh doanh, làm ăn của người dân; nhưng hiện thực hóa các ý tưởng đó thì phải bằng cơ chế, chính sách cụ thể. Thời đại 4.0, không chỉ giới kinh doanh phải thay đổi, sáng tạo để phát triển, mà các nhà hoạch định chính sách, các công chức thực thi cũng phải sáng tạo, thay đổi tư duy theo kịp thời đại.
Làm ăn 4.0 thế nào không phải là việc của riêng giới kinh doanh, mà của từng người dân Việt Nam để đi đến sự phồn vinh cho dân tộc.