“Ngoài thủ tục pháp lý, việc người mua nhà khó tiếp cận vốn vay do lãi suất quá cao cũng là bài toán khó”, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư khi đề cập đến thế khó của doanh nghiệp, người mua nhà trong bối cảnh lãi suất ngân hàng vẫn cao như hiện nay.
Theo ông Phúc, khách hàng tiềm năng của Phú Đông thuộc nhóm có nhu cầu ở thực, đã tích lũy được một phần, phần còn lại dự định mua trả góp, nhưng không thể vì lãi suất thực tế lên đến 13 - 14%/năm.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5 để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ giữa tháng 3/2023 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành.
Việc lãi suất tiếp tục hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đưa dòng tiền quay trở lại thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Ngô Quang Phúc, thông tin giảm lãi suất chỉ có tác dụng về tâm lý, chứ để đi vào cuộc sống phải mất thêm thời gian.
Tương tự, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia cũng cho biết, dù NHNN đã điều hành hạ lãi suất, nhưng khi tiếp xúc với các lãnh đạo ngân hàng thương mại thì họ đều nói rằng, luôn có độ trễ từ 9 tháng đến 1 năm để lãi suất thực tế giảm.
“Có một thực tế là lãi suất dành cho các ngành sản xuất, kinh doanh khác có thể giảm, nhưng lãi suất cho vay đối với bất động sản vẫn neo rất cao. Dù ngân hàng có mở hầu bao cho vay thì doanh nghiệp cũng không vay được vì dự án vướng pháp lý”, Chủ tịch Tập đoàn An Gia nói.
Trong công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau những nỗ lực giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất vay ngân hàng cuối tháng 5/2023 tại một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm. Trong đó, lãi suất vay mua nhà thấp nhất hiện nay đang thuộc về Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với mức 4,99%/năm.
Tuy nhiên, MSB chỉ cố định mức lãi suất này trong 3 tháng đầu với các khoản vay có thời hạn trên 24 tháng, từ tháng thứ tư trở đi, Ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi theo lãi suất thị trường, rơi vào khoảng 13 - 14%/năm. Đây cũng là mức lãi suất trung bình của hầu hết ngân hàng áp dụng khi cho vay mua nhà hiện nay.
Dù lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, song nỗ lực hạ lãi suất điều hành vừa qua vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực, rõ nét nhất là lượng giao dịch đã dần trở lại sau thời gian “đóng băng”. Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc nghiên cứu và phát triển DKRA Group xác nhận, trong tháng 5/2023, một số dự án nhà ở tại TP.HCM ghi nhận có giao dịch từ 10 đến 50 căn.
Dù thanh khoản có nhích lên đôi chút, song theo ông Thắng, so với những năm trước, thanh khoản hiện nay chỉ như “sóng trong ly nước trà”.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, giao dịch các tháng gần đây vẫn chậm, lý do bởi nhiều người cho rằng đi vay để mua nhà lúc này là không phù hợp với ngân sách gia đình, bởi dù lãi suất huy động đã giảm, nhưng lãi suất vay vẫn ở mức cao do cần độ trễ.
Các chuyên gia của VARS cho rằng, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới “phản ứng” mạnh. Lãi suất 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc chuyên trang Batdongsan phân tích, chính sách có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản và thông thường chỉ có độ trễ khoảng 2 quý. Dự báo, với những chính sách vừa được ban hành, thời điểm xuất hiện tín hiệu đảo chiều thị trường bất động sản sẽ rơi vào quý IV/2023, hoặc muộn hơn là vào giữa năm 2024.