Ưu tiên ổn định mặt bằng lãi suất
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 135/CĐ-TTg ngày 16/12/2024 về điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và tín dụng hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các nền kinh tế lớn để đánh giá, phân tích, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; tập trung thực hiện quyết liệt điều hành lãi suất, tỷ giá và tín dụng hiệu quả, giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là kiểm soát lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm 2024 và ngay từ những tháng đầu năm 2025, đảm bảo tín dụng vào nền kinh tế không bị ách tắc hoặc tiêu cực.
Đồng thời, NHNN cần tiếp tục thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh và trả nợ ngân hàng.
Đặc biệt, kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) vi phạm quy định về lãi suất, cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm lãi suất huy động và cho vay; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro, đảm bảo an toàn và hiệu quả, giảm chi phí và ứng dụng công nghệ để có dư địa giảm lãi suất cho vay...
Trong khi đó, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thời gian gần đây, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các TCTD tập trung rà soát, tiết giảm các chi phí không cần thiết, miễn giảm phí dịch vụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Tuy nhiên, áp lực tỷ giá đã ảnh hưởng lớn đến khả năng giảm lãi suất. Nếu NHNN giảm mạnh lãi suất, điều này có thể gây biến động tỷ giá mạnh hơn và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các mức lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư được nhiều ngân hàng tăng nhẹ từ quý IV/2024 lên hơn 7%/năm kỳ hạn dài. Ngân hàng đang chạy đua huy động để đáp ứng cầu vốn dịp lễ tết.
NHNN cho biết, tính đến ngày 13/12/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 12,5% so với cuối năm 2023 và tăng 16,65% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,4%). Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng 15% ngành đưa ra năm nay, các ngân hàng còn nhiều dư địa cấp vốn trong thời gian còn lại của năm.
Để kích cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi vay, chia sẻ khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp, nhưng sẽ khó giảm sâu.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, việc điều hành lãi suất cho vay hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế cũng như trong nước.
Biến động của đồng USD cùng những căng thẳng về cung - cầu ngoại tệ buộc NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá, bên cạnh giữ lãi suất thấp. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài.
Sang năm 2025, tỷ giá là vấn đề phải ổn định, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc tiền đồng sẽ mất giá, từ đó lãi suất có thể bị đảo ngược tăng trở lại, hoặc ít nhất giữ nguyên như hiện tại.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu gia tăng cũng làm tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Do đó, thời gian qua, NHNN đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Song song đó, cuối tháng 11/2024, NHNN đã điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tín dụng năm 2024 đối với các TCTD.
Người đứng đầu NHNN cũng cho hay, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.
Ngân hàng UOB cho rằng, Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa trong vài tháng đầu năm 2025.
Theo dự báo của UOB, dù chu kỳ giảm lãi suất sẽ chậm lại, nhưng nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất USD về quanh mức 3,5%/năm vào cuối năm 2025. Đây là cơ sở thuận lợi cho NHNN tiếp tục ổn định lãi suất VND và tỷ giá USD/VND như hiện nay.
Lãi vay sẽ chưa tăng cao
Tuy lãi suất huy động có chiều hướng tăng trong những tháng cuối năm 2024, nhưng mức tăng không quá cao và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào. Do đó, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo đi ngang trong năm 2025.
Các chuyên gia tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, việc lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 sẽ có độ trễ 3-6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay.
Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ đi ngang trong quý IV/2024, trước khi tăng lên trong năm 2025, nhưng mức tăng sẽ không lớn, ở quanh mức 0,5-0,7%/năm trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho hay, thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay tăng cao, nhưng nhiều khả năng lãi suất huy động trong thời gian tới sẽ không giảm.
Trong khi đó, dù Fed vừa cắt giảm thêm 0,25%/năm lãi suất USD, nâng tổng cộng mức cắt giảm cả năm 2024 lên 1%/năm, song các động thái mới đây cho thấy cơ quan này chưa có ý định sớm giảm thêm lãi suất, nên xu hướng lãi suất Việt Nam sẽ đi ngang trong thời gian tới, mà không nhiều dư địa để giảm. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất Việt Nam cũng chưa tăng cao trong năm 2025.
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm có thể duy trì ổn định quanh mức 5%/năm trong 2025. Theo ACBS, nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất USD xuống 4,5%/năm vào cuối năm 2024 và về mức 3,5-4,25%/năm trong năm 2025.
Đồng thời, các chính sách áp thuế dự kiến của ông Donald Trump có thể khiến USD suy yếu, do đó áp lực thanh khoản sẽ giảm dần trong thời gian tới. Giới phân tích cũng đánh giá, nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ chỉ nhích nhẹ trong năm 2025 để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế, trước bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng đáng kể.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, hiện lãi suất của Việt Nam vẫn được kiềm chế ở mức thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sang năm 2025, tỷ giá là vấn đề phải ổn định, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc tiền đồng sẽ mất giá, từ đó lãi suất có thể bị đảo ngược tăng trở lại, hoặc ít nhất giữ nguyên như hiện tại.
Thực tế cũng cho thấy, năm qua, lãi suất trên thị trường thế giới và Việt Nam có xu hướng giảm. Tại Việt Nam, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm trong năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp và dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp hợp lý trong năm 2025. Điều này giúp kích thích đầu tư, đồng thời tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng, NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025. Sự kỳ vọng kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ của Chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp ở hiện tại. Lạm phát có thể tăng trở lại, bắt đầu từ quý II/2025, nên dự kiến lãi suất sẽ trở lại bình thường trong quý này.
Dù được đánh giá đang ở mức phù hợp, nhưng thị trường vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, xu hướng tăng nhu cầu tín dụng, tình hình nợ xấu, tỷ giá thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi vay.
Bởi lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào chi phí hoạt động của ngân hàng, mà còn phản ánh khả năng xảy ra trong tương lai và đặt trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng nhanh.
Tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng ở mức 4,55% - gần bằng mức cuối năm 2023, nhưng tăng gấp đôi so với năm 2022. Theo đó, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.
Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản lên 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024, tạo sức ép không nhỏ lên lãi suất cho vay.