Người vay gặp khó vì đại dịch
Ông N.V.A ở TP.HCM cho biết, năm ngoái, ông có nhu cầu mua 1 căn hộ chung cư nhưng không đủ nguồn tài chính nên đã vay ngân hàng 1 tỷ đồng, lãi vay 8%/năm trong 6 tháng đầu, sau đó tăng lên 9,5%/năm. Hàng tháng, ông phải trả cả gốc lẫn lãi là hơn 10 triệu đồng. Hai tháng trở lại đây, do thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công ty nơi ông làm việc phải dừng hoạt động vì không đảm bảo 3 tại chỗ và có nhiều ca F0, nên tiến độ trả nợ bị ảnh hưởng.
“Với diễn biến dịch bệnh phức tạp, dự kiến còn kéo dài, tôi có thể mất khả năng trả nợ nên đã liên hệ nhân viên tín dụng của ngân hàng để xin được giảm lãi vay và tái cơ cấu nợ. Phía ngân hàng cho hay, họ đang tập trung giải quyết hồ sơ tái cơ cấu nợ, giảm lãi vay cho doanh nghiệp, còn cá nhân vay mua nhà, tiêu dùng chưa có chính sách mới”, ông A nói.
Trong khi đó, chị N.T.P tại TP. Thủ Đức chia sẻ, đầu năm nay, chị có khoản vay ngân hàng gần 800 triệu đồng để mua căn hộ dự án Vinhomes Grand Park, lãi vay 8%/năm, cố định trong 3 năm đầu. Do tác động của dịch Covid-19 nên 3 tháng qua, gia đình chị rơi vào cảnh thất nghiệp khi cửa hàng quần áo phải đóng cửa, còn chồng không thể chạy taxi công nghệ, vì thành phố thực hiện giãn cách nhằm phòng chống dịch.
Thực tế, các ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, đồng thời triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, nhưng chủ yếu tập trung cho khách hàng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thiết yếu, còn đối với bất động sản không được tái cơ cấu, giảm lãi vay. Lãi suất cho vay bất động sản vẫn dao động phổ biến trong khoảng 10 - 11%/năm.
Lãi suất cho vay bất động sản dao động phổ biến trong khoảng 10 - 11%/năm.
Lãi suất cho vay cao và tín dụng vẫn tăng trưởng tốt lý giải phần nào lợi nhuận lớn của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021. Đáng chú ý, phân khúc tín dụng cá nhân vay mua nhà có biên lãi ròng (NIM) cao, 4 - 4,5%.
Hiện các mức lãi suất huy động cao nhất là 6 - 6,8%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng và 3 - 3,5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng. Trong khi đó, lãi vay mua nhà được các ngân hàng áp dụng từ cuối năm ngoái đến nay dao động từ 8 - 11%/năm, tùy từng thời điểm giải ngân.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, cá nhân vay mua nhà.
Theo số liệu báo cáo nhanh hàng tuần của các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cung cấp, đến ngày 26/7/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; doanh số cho vay mới có lãi suất thấp hơn so với trước dịch từ 23/1/2020 đến nay đạt 4.042.012 tỷ đồng, với 525.401 khách hàng. Khách hàng được tái cơ cấu nợ, giảm lãi chủ yếu là các doanh nghiệp.
Liên quan đến hỗ trợ lãi suất, cơ cấu nợ với nhóm khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà, mua xe, các nhà băng cho biết, ngân hàng đang tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo lộ trình, phân theo các nhóm đối tượng khách hàng. Ngân hàng ưu tiên cơ cấu nợ và giảm lãi suất đối với khách hàng có thu nhập sụt giảm do dịch Covid-19, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, khách sạn, vận tải...
Ngân hàng khó giảm lãi suất đồng loạt
Mới đây, Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ các khách hàng có khoản vay nhỏ đang gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều khách hàng cá nhân kỳ vọng, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 12/8/2021 sẽ giúp giảm gánh nặng lãi vay. Thế nhưng, khi liên hệ với các nhà băng, khách hàng vay mua nhà vẫn phải tiếp tục chờ.
Trường hợp của chị N.T.P là một điển hình khi áp lực trả nợ vay hàng tháng khó đáp ứng tiến độ ngân hàng đưa ra và nguy cơ mất khả năng trả nợ vay là khó tránh khỏi do thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chị P đã đề nghị ngân hàng hỗ trợ giảm thời gian trả nợ và lãi vay. Thế nhưng, nhân viên ngân hàng cho hay, với khách hàng cá nhân vay mua nhà, hiện ngân hàng chưa có chính sách điều chỉnh lãi vay. Còn với đề nghị giãn thời gian trả nợ, ngân hàng đang xem xét, nếu có sẽ thông báo sau.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng chia sẻ, do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, lượng hàng hóa ứ đọng và không ít công ty phải tạm dừng hoạt động. Hiện hồ sơ doanh nghiệp gửi lên xin tái cơ cấu nợ và giảm lãi vay rất lớn, ngân hàng phải xem xét kỹ để giảm lãi vay từ 0,5 - 1%/năm và giãn nợ đúng đối tượng. Với khách hàng cá nhân, nếu phải tiếp tục giảm lãi vay và giãn nợ thì lợi nhuận ngân hàng trong nửa cuối năm 2021 sẽ bị tác động rất lớn, giảm mạnh.
Trong những năm gần đây, lợi nhuận của ngành ngân hàng phần lớn đến từ mảng tín dụng bán lẻ, thay vì đẩy mạnh bán buôn như trước. Một phần do biên lãi ròng thu về trong tín dụng bán lẻ lớn hơn, mà rủi ro cũng được phân tán.
Thống kê tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và lớn hiện nay, dư nợ cho vay cá nhân phổ biến chiếm 40 - 50% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Thậm chí, tại một số nhà băng, tỷ trọng cho vay cá nhân chiếm 60 - 80% tổng dư nợ. Như tại Ngân hàng Quân đội, đến cuối tháng 6/2021, tổng số dư cho vay khách hàng đạt gần 331.150 tỷ đồng, 44% trong số này là dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tương đương trên 145.700 tỷ đồng. Số dư nợ này bao gồm cả các khoản cho vay tiêu dùng tại công ty con là Mcredit.
Tương tự, tại Techcombank, dư nợ cho vay cá nhân đến cuối tháng 6/2021 là gần 128.900 tỷ đồng, chiếm trên 41% số dư cho vay. Trong đó, đa số các khoản cho vay cá nhân phục vụ mục đích mua nhà, mảng kinh doanh mà Techcombank đang dẫn đầu thị trường.
Một ngân hàng khác có số dư cho vay cá nhân lớn là VPBank, khoảng 174.300 tỷ đồng cho vay cá nhân và hộ kinh doanh, chiếm 56% dư nợ vay khách hàng (bao gồm cả dư nợ cho vay của công ty con là FE Credit).
Đáng chú ý, báo cáo của VIB chỉ ra xu hướng biên lợi nhuận ròng trong 6 quý gần đây được cải thiện mạnh mẽ nhờ việc giảm chi phí huy động vốn (COF). Tỷ lệ COF của VIB đã giảm từ 5,4% trong quý I/2020 xuống 3,8% vào quý II/2021 và biên lãi ròng tăng từ 3,9% lên 4,6%.
Lý giải điều này tại buổi gặp mặt với nhà đầu tư qua hình thức trực tuyến mới đây, ông Hoàng Linh, Giám đốc Tài chính VIB cho hay, Ngân hàng đã chủ động tối ưu hóa chi phí huy động vốn thông qua việc đẩy mạnh tăng trưởng nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA), đồng thời tăng cường huy động nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế. Với định hướng tập trung chiến lược bán lẻ, dư nợ bán lẻ 6 tháng đầu năm 2021 của VIB tăng trưởng hai chữ số, đạt 14,2%, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng dư nợ. Danh mục bán lẻ giúp VIB giảm thiểu rủi ro tập trung, thích ứng tốt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Thực tế cho thấy, tốc độ giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng chậm hơn lãi suất huy động và việc giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 của các ngân hàng diễn ra khá chậm, nhưng đòi hỏi ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động không giảm thêm là rất khó.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay với cá nhân mua nhà để ở là cần thiết, song ngân hàng khó có thể giảm đồng loạt, mà cần có sự chọn lọc. Ngân hàng Nhà nước nên sớm sửa đổi một số điều khoản tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN, đồng thời đưa ra các tiêu chí, điều kiện cá nhân nào được cơ cấu, giảm lãi vay, thủ tục đơn giản…