Lãi vay giảm, doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp để vay vốn, trong khi ngân hàng “thà dư vốn còn hơn quỳ lạy đòi nợ”, dẫn đến dòng chảy tín dụng chậm lại.
Lãi vay giảm, doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp

Lãi vay giảm khi tín dụng khó tăng

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần khi lãi suất huy động xuống sâu, song tăng trưởng dư nợ toàn ngành vẫn âm trong 2 tháng đầu năm nay.

Nhằm thu hút khách hàng, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi cho vay. Sacombank triển khai nguồn vốn 10.000 tỷ đồng với lãi suất siêu ưu đãi chỉ 3%/năm, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến hết quý I/2024.

Trong khi đó, SHB đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi xuống còn từ 5,79%/năm. Với cá nhân, lãi suất vay được điều chỉnh giảm xuống 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn. Đồng thời, với gói vay ưu đãi mua nhà, khách hàng được hưởng ưu đãi giải ngân tới 90% giá trị bất động sản mua, thời gian vay lên tới 25 năm, thời gian ưu đãi lãi suất và ân hạn gốc kéo dài tới 24 tháng. Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng có thể được giảm thêm tối đa 1%/năm.

Mặc dù lãi suất cho vay đã và đang giảm dần, song số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến hết tháng 2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Vì thế, để kích cầu tăng trưởng tín dụng trong các quý tới, NHNN yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng.

TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm kéo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây, nên chi phí vốn của ngân hàng khả năng được duy trì ở mức thấp trong một thời gian nữa. “Đây là cơ hội cho ngân hàng giảm lãi suất đầu ra, đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế, nhất là trong các quý tới”, TS. Vũ nói.

Khách hàng cạn tài sản thế chấp

Cái khó của doanh nghiệp hiện nay là cạn tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng chậm. Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) gửi UBND TP.HCM mới đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo HUBA, trước tình hình khó khăn về vốn, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay, song tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, theo khảo sát của HUBA, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng. Vì vậy, HUBA kiến nghị xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Đồng thời, HUBA kiến nghị chính quyền TP.HCM xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.

Trong khi đó, doanh nghiệp kiến nghị, ngân hàng nên nới điều kiện, tiêu chí cho vay để họ có thể tiếp cận vốn vay. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành cho biết, họ đang rất cần vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng khó vay vốn ngân hàng, vì báo cáo tài chính không đẹp để đáp ứng điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Để dòng vốn tín dụng chảy nhanh hơn, các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất ngân hàng linh động hơn trong việc cho vay, giảm bớt thủ tục, yêu cầu tài sản đảm bảo. Thế nhưng, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, các tiêu chuẩn để đảm bảo tính an toàn của khoản vay, như yếu tố pháp lý của tài sản đảm bảo, là yêu cầu không thể giản lược.

Đáng chú ý là, tình hình kinh tế khó khăn cả trong và ngoài nước đang gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Hệ quả là, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng toàn ngành ngân hàng. Nợ xấu tăng đang là mối lo, nhất là khi nợ xấu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024. Do đó, dù đạt lợi nhuận cao, song ngân hàng cũng phải trích dự phòng lớn, tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh trong năm. Vì thế, hầu hết ngân hàng kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN để khách hàng có thêm thời gian trả nợ.

Tin bài liên quan