Chi phí đầu vào gia tăng buộc các ngân hàng phải nâng dần lãi suất cho vay

Chi phí đầu vào gia tăng buộc các ngân hàng phải nâng dần lãi suất cho vay

Lãi vay “đua” theo huy động vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Do chi phí đầu vào liên tục tăng trong thời gian gần đây, các ngân hàng dần nâng lãi suất cho vay thêm 1 - 2%/năm đối với doanh nghiệp và 1,5 - 3%/năm đối với cá nhân.

Chi phí đầu vào tạo áp lực lên lãi vay

Mặt bằng lãi suất huy động được ngân hàng tăng mạnh trong tuần cuối tháng 10/2022, sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành, trong đó, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm. Hiện lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng đều được các ngân hàng đưa lên mức kịch trần cho phép. Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn từ 6 - 12 tháng được các nhà băng tăng mạnh lên trên mức 7 - 8%/năm. Thậm chí, ở kỳ hạn trên 12 tháng, một số nhà băng nhỏ đã đưa lãi suất lên 8,8 - 9,3%/năm như SCB, CBBank, Bản Việt, VietABank, Kienlongbank...

Chi phí đầu vào gia tăng buộc các ngân hàng phải nâng dần lãi suất cho vay để đảm bảo lợi nhuận trong kinh doanh. Hiện mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực ưu tiên đã tăng thêm 1 - 2%/năm so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8 - 10%/năm, tùy từng nhóm khách hàng và mục tiêu vay vốn.

Với nhóm doanh nghiệp bất động sản, hầu hết ngân hàng đều nói “không”, ngay cả khách hàng vay mua nhà cũng khó được cấp vốn, dù chấp nhận trả lãi cao, vì room tín dụng đã cạn. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2022, tín dụng tăng trưởng 11% và cơ quan này kiên định với mục tiêu tăng trưởng 14% năm nay nên các ngân hàng khó có thể kỳ vọng được nới thêm room tín dụng.

Trong xu hướng tăng lãi suất cả đầu vào và đầu ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc giảm lãi suất vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước diễn biến lạm phát, tỷ giá tăng và định hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.

Lãi suất cho vay được các ngân hàng nâng cao hơn đối với nhóm khách hàng cá nhân. Thực tế cho thấy, mức lãi suất cho vay mới và khoản vay cũ tại phần lớn các ngân hàng hiện cao hơn 2 - 3%/năm so với đầu năm 2022. Thông thường, các nhà băng hay ưu đãi lãi suất cho khoản vay mới trong 3 tháng đến 1 năm đầu tiên, trước khi áp dụng mức lãi suất thả nổi. Hiện lãi suất ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân có tài sản thế chấp đã tăng từ 9 - 9,5%/năm lên 11,5 - 13%/năm tại nhà băng tư nhân và khoảng 11,5 - 12%/năm tại khối ngân hàng có vốn nhà nước.

Nhiều nhà băng đã dừng chương trình ưu đãi lãi suất năm đầu. Chẳng hạn, tại TPBank, khách vay mua xe phải chịu lãi suất thả nổi ngay từ năm đầu tiên với mức 13,3%/năm, tức bằng biên độ 4,1%/năm cộng với lãi suất cơ sở 9,2%/năm.

Trong khi đó, tại VietA Bank, nếu vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm, lãi suất cho vay cá nhân được Ngân hàng cộng biên độ từ 2,5 - 3%/năm. Ví dụ, nếu khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng được Ngân hàng trả lãi suất 8,5%/năm thì khi vay lại, khách hàng phải trả lãi suất 11,5%/năm, thậm chí cao hơn, tùy vào diễn biến lãi suất tiền gửi.

Các ngân hàng có vốn nước ngoài (là nhóm có lãi suất cho vay cạnh tranh nhất thị trường) cũng đã tăng lãi suất cho vay. Đơn cử, mức lãi suất cho vay tại Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã tăng lên 8,9%/năm trong 3 năm đầu và sau đó thả nổi trong khoảng 10,5 - 11%/năm. Lý giải về việc lãi suất cho vay tăng lên trong thời gian gần đây, ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng Khối Cho vay bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho hay, chủ yếu do room tín dụng hạn chế hơn trước và chi phí đầu vào tăng lên.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, việc lãi suất huy động tăng sẽ góp phần khiến lãi suất cho vay tăng theo, bởi chi phí đầu vào của các các ngân hàng nhích lên, nhưng hạn mức tín dụng lại không còn nhiều. Một rủi ro đối với các ngân hàng thương mại trong bối cảnh này là nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Vì thế, các nhà băng sẽ có sự chọn lọc khách hàng kỹ hơn khi trao vốn cho vay.

Lãi suất khó hạ nhiệt

Lãi suất cho vay được các ngân hàng nâng cao hơn đối với nhóm khách hàng cá nhân.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm được nhận định sẽ tăng thêm trong khoảng thời gian còn lại của năm 2022, khi Fed dự kiến nâng lãi suất USD thêm 2 lần vào tháng 11 và tháng 12 tới.

TS. Trần Hùng Sơn, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng, để giảm áp lực tỷ giá thì lãi suất sẽ tăng, nhất là lộ trình tăng lãi suất của Fed khó tránh khỏi ảnh hưởng đến tỷ giá.

Lãnh đạo không ít nhà băng dự báo, lãi suất cho vay thời gian tới khó có thể hạ nhiệt và sẽ phụ thuộc nhiều vào thanh khoản, đặc biệt là diễn biến giải ngân đầu tư công. Trái phiếu chính phủ thu hút dòng tiền, thu ngân sách vượt kế hoạch, nhưng giải ngân đầu tư công chậm khiến thị trường khan tiền, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Vì thế, trong bối cảnh lãi suất vay tín dụng ngân hàng không còn rẻ như trước thì cả doanh nghiệp, người dân đều phải thích nghi với tình hình mới và cân nhắc phương án kinh doanh cũng như nhu cầu sử dụng vốn vay để đem lại hiệu quả tốt hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng tăng cũng ảnh hưởng tới việc điều hành lãi suất cho vay. Giá nguyên vật liệu thế giới đi lên, chi phí vận chuyển tăng cao, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020 tạo áp lực lên lạm phát. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND gia tăng đang gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Thực tế, các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng trước đây, đồng thời điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Riêng Fed đã có 5 lần tăng lãi suất cơ bản kể từ đầu năm 2022 đến nay, tác động tới tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam. Bởi lẽ, kinh tế Việt Nam có độ mở cao, khi USD lên giá, chi phí nhập khẩu nguyên liệu sẽ tăng nhanh tương ứng nếu Ngân hàng Nhà nước không kịp thời điều chỉnh tỷ giá. Mới đây nhất, cơ quan này đã quyết định nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5% để phù hợp với diễn biến thị trường. Giới phân tích kinh tế - tài chính nhận định, trong ngắn hạn, nhu cầu USD tăng đột biến trong khi nguồn cung gần như không đổi nên dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vơi đi đáng kể, áp lực tỷ giá tăng vẫn còn.

Trong báo cáo cập nhật biến động thị trường tiền tệ tháng 10 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt lo ngại, với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực từ các yếu tố bên ngoài, không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá trên 10% trong năm 2022. Từ đầu tháng 10 đến nay, tiền đồng đã mất giá hơn 4%, gần bằng mức mất giá trong suốt 9 tháng đầu năm. Lũy kế kể từ đầu năm, tiền đồng đã mất giá xấp xỉ 8,8% trên thị trường chính thức. Tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh, song hành với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục nâng tỷ giá trung tâm, nới biên độ tỷ giá và tăng giá bán USD cho các ngân hàng thương mại.

Một chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ cho rằng, tỷ giá và lãi suất hiện đang là một vòng xoáy. Với diễn biến hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5 - 1% lãi suất điều hành trong 2 tháng cuối năm, vì hiện tại, đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá. Từ đầu tháng 10 đến nay, Ngân hàng Nhà nước bán ra chưa đến 1 tỷ USD, cho thấy bộ đệm dự trữ ngoại hối đã yếu đi đáng kể. Đồng thời, dù cán cân thương mại thặng dư nhẹ nhưng triển vọng xuất khẩu kém khả quan khiến cho cán cân thanh toán không đủ sức để cân bằng áp lực đối với nhu cầu USD trong nước.

Việc Ngân hàng Nhà nước vừa tăng lãi suất điều hành tạm thời giúp hạ nhiệt tỷ giá, nhưng có thể sẽ kích thích cuộc đua tăng lãi suất huy động, đặc biệt là tại các ngân hàng vừa và nhỏ, tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay, vốn có độ trễ nhất định so với lãi suất huy động.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, mặt bằng lãi suất tiền gửi đến cuối năm 2022 sẽ tăng thêm 0,3 - 0,5%/năm so với hiện tại.

Tin bài liên quan