Lãi trái phiếu Mỹ tăng, vốn chuẩn bị rút khỏi các thị trường mới nổi

Lãi trái phiếu Mỹ tăng, vốn chuẩn bị rút khỏi các thị trường mới nổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, cần chuẩn bị tâm lý khi dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường, trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ leo dốc và lạm phát có dấu hiệu quay trở lại.

Các thị trường chứng khoán tại khu vực mới nổi chứng kiến đà tăng giá tích cực khởi đầu năm 2021, tuy nhiên, tình hình đã có sự thay đổi. Sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, các thị trường chứng khoán mới nổi nhanh chóng theo đà đi xuống.

Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi giảm 3% trong phiên giao dịch cuối tuần (26/2/2021), trong khi đồng rand Nam Phi và peso Mexico đều giảm gần 3% so với USD.

Diễn biến chỉ số MSCI các thị trường mới nổi (đường màu trắng) và chỉ số MSCI các đồng tiền tại thị trường mới nổi (đường màu xanh)

Diễn biến chỉ số MSCI các thị trường mới nổi (đường màu trắng) và chỉ số MSCI các đồng tiền tại thị trường mới nổi (đường màu xanh)

Tài sản tại các thị trường mới nổi trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư khi chính sách tiền tệ toàn cầu được thắt chặt và lạm phát quay trở lại.

Việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ leo dốc trong tuần này gợi nhắc tới sự kiện “taper tantrum” năm 2013 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố thu hẹp các gói nới lỏng đỉnh lượng được thực hiện trước đó, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ gia tăng trên toàn cầu.

Taper tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn.

“Giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đã bắt đầu phản ảnh dự báo diễn ra “taper tantrum, dù Fed có nói gì đi nữa. Tương tự năm 2013, diễn biến mới gây ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường mới nổi”, Alvin T. Tan, người đứng đầu bộ phận giao dịch ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets cho biết. Trong đó, các đồng tiền rupiah Indonesia, rand Nam Phi và real Brazil là những đồng tiền dễ tổn thương nhất ở thời điểm hiện tại.

Thực tế, hàng loạt đồng tiền tại khu vực mới nổi đã giảm giá trong phiên giao dịch thứ Sáu (26/2/2021). Chẳng hạn, rupee Ấn Độ là đồng tiền giảm giá mạnh nhất, hơn 1,4%, trong khi đồng won Hàn Quốc giảm 1,4%. Các thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan giảm khoảng 3%.

Mitul Kotecha, chiến lược gia trưởng khu vực các thị trường mới nổi châu Á và châu Âu tại TD Securities cho biết, tính chất bất ổn cao hơn, áp lực lên lãi suất trái phiếu và động lực tăng trưởng tổn thương vì đại dịch đang là những yếu tố bất lợi đối với các loại tài sản đầu tư, trong đó có chứng khoán tại khu vực thị trường mới nổi.

“Tuy nhiên, dòng vốn rút ra khỏi thị trường sẽ không mạnh như năm 2013 và có thể chỉ là hiện tượng trong ngắn hạn, bởi Fed chưa có động thái nào cho thấy sẽ siết chặt chính sách tiền tệ”, Kotecha cho biết.

Tin bài liên quan