Chị Nguyễn Thanh Dung (quận 3, TP. HCM) cho biết, đang có nhu cầu vay tiền mua nhà cho cậu em trai, trị giá căn hộ trên 1 tỷ đồng, nhưng thấy tình hình lãi suất huy động gần đây có chiều hướng tăng nên khá lo ngại về xu hướng lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Trần Minh Phương (quận Thủ Đức, TP. HCM) cũng đứng ngồi không yên khi khoản vay gần 200 triệu đồng được Ngân hàng giải ngân tháng 5/2016 nay sắp đến kỳ trả lãi thứ hai (trả lãi hàng quý), không biết có bị điều chỉnh tăng hay không trước xu hướng lãi suất tiết kiệm đang có chiều hướng đi lên.
Chính diễn biến của lãi suất đầu vào trong 2 quý đầu năm nay dần tăng đã khiến tâm lý khách hàng tỏ ra lo ngại khi có nhu cầu về vốn. Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho biết, sở dĩ dư nợ tín dụng của cá nhân, nhất là với phân khúc mua nhà trong nửa đầu năm 2016 không tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ cũng như cả năm 2015 là do khách hàng có tâm lý chờ đợi và xem xét lãi suất.
"Khả năng lãi suất cho vay khó có thể tăng cao mà vẫn giữ ổn định từ nay đến cuối năm"
- TS. Trần Du Lịch
Lãi suất cho vay trong nửa đầu năm 2016 của các ngân hàng tương đối ổn định và thậm chí, nhiều nhà băng còn rầm rộ tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay, song trước làn sóng tăng lãi suất huy động tiếp tục diễn khiến người vay e ngại. Quả thực, trong thời gian gần đây, một số ngân hàng có cộng thêm mức lãi 0,2 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn nhằm hút khách gửi tiền.
Thị trường đã ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất huy động của nhiều ngân hàng khối cổ phần vào cuối tháng 6/2016 như tại VietCapital Bank, lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7%/năm. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn được tăng 0,1-0,2%/năm. Còn với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05-0,3%/năm.
Mới đây nhất, VPBank điều chỉnh khung lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân. Các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng vẫn ở mức thấp, nhưng các kỳ hạn từ 5 - 12 tháng thì được ngân hàng này tăng 0,2-0,3%/năm so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5, lên quanh 5,5 - 6,8%/năm. Mức lãi suất cao nhất của VPBank là 7,4%/năm với kỳ hạn 36 tháng. Vietcombank cũng vừa điều chỉnh, tuy chỉ tăng nhẹ 0,1%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng (từ 5%/năm lên 5,1%/năm), kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4%/năm lên 5,5%/năm.
Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng, chi phí huy động vốn của ngân hàng sẽ chưa dừng lại thời gian tới. Vì thế, theo các chuyên gia tài chính, lãi suất cho vay khó giảm trước xu hướng lãi tiết kiệm tăng, nhưng cũng sẽ ổn định chứ không tăng theo lãi tiết kiệm.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay trong nửa đầu năm 2016 tương đối ổn định, song trước xu hướng lãi suất tiết kiệm tăng hiện nay, khó kỳ vọng lãi suất đầu ra giảm. Mặc dù vậy, ông Lịch cũng cho rằng, khả năng lãi suất cho vay khó có thể tăng cao mà vẫn giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Lạm phát trong năm nay được dự báo tăng cao hơn so với năm 2015, nhưng vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Mặt khác, cạnh tranh về thị phần tín dụng giữa các ngân hàng ngày một gay gắt và giảm lãi vay được xem là phương án tốt nhất để thu hút khách hàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng cũng cho hay, cạnh tranh lãi suất hiện nay khiến biên lợi nhuận trong hoạt động tín dụng co hẹp dần, do chênh lệch lãi đầu vào, đầu ra chỉ còn trên dưới 2%/năm đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu và 3 -3,5%/năm là cho vay cá nhân.
Trong khi đó, một chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, nếu xem xét kỹ thì thấy xu hướng lãi suất cho vay trong thời gian gần đây có dấu hiệu bắt đầu điều chỉnh, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng cá nhân. Lãi suất đối với các gói tín dụng ưu đãi được ngân hàng chào mời 7,5-8,5%/năm, nhưng thực tế chỉ có thời gian đầu khoảng 3-6 tháng, sau đó lãi suất sẽ thay đổi và biên độ lãi suất cộng thêm không nhỏ 3,6-4%/năm.
Tính ra, lãi vay phải trả đến 12-13%/năm. Do vậy, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, khó có thể kỳ vọng lãi suất cho vay giảm theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, mà chỉ có thể mong ổn định, do chi phí huy động vốn của ngân hàng đang tăng dần, đồng thời rủi ro tỷ giá hiện hữu trở lại và lạm phát trong năm 2016 dù vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng cao hơn đáng kể so với năm 2015.