Đa phần doanh nghiệp hàng không báo lỗ trong nửa đầu năm (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đang phục hồi nhưng chưa đồng đều
Tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 11/8, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, nhìn nhận thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc.
Thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, còn thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019; vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng nhưng nội địa giảm.
Tuy nhiên, doanh thu lại không tương xứng do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.
"Sự phục hồi không đồng đều ở các doanh nghiệp trong ngành hàng không, trong các chuỗi cung ứng ngành hàng không, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm qua", ông Dũng nói.
Để đối phó với những khó khăn này, các doanh nghiệp hàng không đã có những thay đổi quan trọng, đặc biệt trong việc tái cấu trúc để thích ứng với xu hướng mới. Các hãng cũng chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi, chuẩn bị mở các đường bay mới.
Trong khi đó, các mảng hàng không có tần suất bay cao đã phục hồi trở lại, như tại Cảng hàng không Phú Quốc đạt 100 chuyến bay/ngày, vượt cả Cam Ranh.
Xin điều chỉnh khung giá trần vé máy bay nội địa
Theo ông Phạm Việt Dũng, những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp hàng không hiện nay là trên thế giới, vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng không.
Giá xăng dầu ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn các doanh nghiệp. Tình hình dịch bệnh tuy đã có giảm những chưa hoàn toàn triệt tiêu, vẫn còn những tiềm ẩn nguy cơ cả quốc tế lẫn trong nước. Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, đặc biệt là những nước có lượng khách lớn đến với Việt Nam, khiến thị trường hàng không mất một lượng khách lớn, chậm quá trình phục hồi các đường bay quốc tế.
Một yếu tố nữa liên quan đến cơ sở hạ tầng của ngành hàng không dù được tăng cường rất nhiều, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng, còn những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt đối với những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Chia sẻ cụ thể khó khăn tại doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho biết lữ hành hàng không đã kiệt quệ về lao động, tài chính, phải khôi phục lại toàn bộ.
"Vận chuyển, đặc biệt vận chuyển hàng không khó khăn, giá nhiên liệu cao, nhiều thời điểm chiếm trên 60% chi phí, cơ cấu giá áp dụng về xăng dầu thường chậm sau 1 tháng. Vì vậy, các hãng bay, khi giá xăng dầu điều chỉnh, cũng không được hưởng ngay lập tức.
Trước những vấn đề đặt ra đối với phục hồi ngành hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị thứ nhất, cần có sự phối hợp hoạt động của các cơ quan Nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn. Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không.
Thứ ba, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành.
Thứ tư, sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam.
Thứ năm, nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới; tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…